Nể lời bạn… nhưng cũng xin chép lại cảm-tưởng khi đọc bài « vua Sở
hỏi đến chín đỉnh ». Để ghi một phút hào-hứng, để chứng-minh lời nói trên
: « biết đọc Đông-Lai là làm giàu cho trí-óc »…
*
Đột-ngột, đứng sừng-sựng trước mặt chúng tôi một văn-nhân, mũ cao,
áo rộng, râu ba chòm suôn-đuột, bộ-tịch cực-kỳ nghiêm-trang. Chẫm-rãi,
người cúi đầu chào rồi chẫm-rãi, từng tiếng, khởi-sự nói lanh-lảnh : «
Không ! chúng tôi không phải xa-lạ, chính thị là Vương-tôn-Mẫn, đại-phu
của Châu-trào ! Chúng tôi mới đến quý-quốc lần đầu-tiên. Đến để phản-đối
lời bác-nghị của Lữ Tổ-Khiêm sắp dịch ra tiếng Việt, đến để kháng-cự lời
chỉ-trích cay độc của Đông-Lai về việc chúng tôi đã lui binh Sở. Nói trước
để cho ngài khỏi ngộ-nhận, chúng tôi là người cùng thuyền đồng hội, nên
rất yêu tài biện-bác của Đông-Lai. Nhưng càng kính Đông-Lai nhà luận-lý,
càng ghét Đông-Lai vai chưởng-lý. Vì theo chúng tôi, đó là một sự lập-dị.
Khi tất cả đều ca tụng việc dùng lời nói lui được quân Sở thì một mình
Đông-Lai chỉ-trích, có phải là muốn mua-chuộc tiếng khác đời chăng ? »
Vì Đông-Lai dư biết cảnh-ngộ éo-le của nhà Châu trong thời-buổi đó.
Khi vua Sở thắng mọi Lục-Hồn đem binh đến đóng trên bờ Lạc-thủy, diễn-
tập ba quân trên đất nhà Châu thì từ trên cửu-ngũ cho đến chốn thôn-quê,
ai cũng cảm thấy luồng gió lạnh đầy tanh-hôi làm tê-tái thấu can-tràng, mà
trông trước ngó sau thì chẳng có tấm bình-phong nào đủ che-đỡ ! Chư-hầu
à ? Tề Hoàn, Tấn Văn đã khuất-bóng, còn lại thì hoặc yếu-đuối hoặc thờ-ơ
! Binh-sĩ à ? Kẻ thì quá già-nua chuyên lo về canh-gác, đứa thì quá trẻ-con
chưa từng ra trận-mạc bao giờ. Khí-giới ư ? Thiếu trước hụt sau, món đã
sắm lại không được giồi-mài sắc-bén. Võ-tướng ư ? Tay gan-dạ cũng có mà
kinh-nghiệm lại không. Dòm qua tứ phía, đều cảm thấy thiếu một việc mà
thiếu một cách cay-nghiệt : thiếu dự-bị.