- Tao viết thư cho bố Bành tao.
- Ông ấy có biết đọc đâu mà thư với từ cho mệt và tốn giấy.
- Trước khi đi tao đã dặn bố tao rồi, khi nào ông đưa thư gửi thì mang
sang nhờ thầy giáo Thuyên hoặc bà Tứ đọc cho. Chả biết những giây phút
như thế này tự nhiên tao lại thấy thương yêu ông ấy nhất, mặc dù tao biết
ông ấy không phải bố đẻ ra mình vả có thời gian ông ấy còn tệ bạc và độc
ác với chị em tao.
- Thôi, tao hiểu rồi. Mày cứ viết thư cho ông ấy đi. Viết xong ngủ lấy
một giấc, mai còn đi học.
Nói rồi cái Dần lại nằm xuống quay mặt vào vách tường nhưng tự
nhiên nó cũng không ngủ được. Nghĩ lại những ngày khổ ải lão Bành hành
hạ thằng Hữu, lòng dạ nó cứ lộn lên. Nó muốm bảo thằng Hữu quên lão ấy
đi cho nhẹ lòng nhưng khi hé mắt nhìn thằng Hữu đang cặm cui viết thư
cho lão ấy, trong lòng cái Dần lại như có cơn gió thổi qua mát rượi. Cơn
gió ấy giống như tấm lòng bao dung, độ lượng từ thằng Hữu cứ tỏa tràn
ngập lút trong tâm hồn nó. Nó tự nhận ra một điều như trời đất bắt buộc nó
phải gắn bó với thằng Hữu. Nếu như những ngày trước đây thằng Hữu phải
ra vườn chuối nhà ông Tràng Chức để chờ nó mang củ khoai, củ sắn ra ăn,
phải náu lão Bành để đi bắt đom đóm về học bài thì bây giờ nó lại phải tựa
vào thằng Hữu để học hành, để suy tính được những điều lớn lao hơn để trở
thành con người trên cõi đời này. Nghĩ được như vậy cái Dần cảm thấy nó
đã sắp thành người lớn rồi. Nó thấy bằng lòng và đồng tình với công việc
thằng Hữu đang thức viết thư cho lão Bành. Nó hy vọng mai này thằng
Hữu sẽ là một con người rất hoàn hảo. Nghĩ vậy nó khép mắt thiu thiu ngủ.
Tận ngoài kia sóng nước trên dòng sông Đáy cứ rì rào theo gió tràn vào.
Gió và sóng như lời bầm êm dịu ru cho giấc ngủ của đám trẻ say nồng
trong những ngày đầu nó đi xa quê...