- Được với lại chả thua, mày vô tâm vừa vừa chứ. Bà đang nẫu ruột ra
kia kìa!... - Cái Dần cau có.
- Sao, có chuyện gì cơ? - Thằng Tùng và thằng Phú cùng ngơ ngác.
Bà cụ Vuông giọng vẫn nghẹn ngào:
- Chắc là cháu Tùng và cháu Phú chưa biết chuyện. Bà đến gặp ông
hiệu trưởng là có việc chẳng lành. Nguyên do cũng tại bà. Ngày bà ốm, bà
khát nước đường, cháu Hữu ra cửa hàng mua nhưng vì không có phiếu
đường, cháu Hữu vì thương bà cứ bỏ năm đồng bạc vào quầy và vơ mấy
lạng đường chạy về, nó không ngờ đấy là tội. Cửa hàng thực phẩm huyện
người ta gởi giấy báo cáo nhà trường, quy tội cháu Hữu ăn cướp, khổ thế.
Chỉ vì thương bà mà thành người có tội!...
- Thế bà kể sự thật ấy với các thầy giáo và xin cho thằng Hữu đi-
Giọng thằng Tùng thằng Phú buồn rầu.
- Bà trình bày với các thầy rồi, nhưng các thầy nói còn xem xét. Bà chỉ
sợ cháu Hữu phải đuổi học thôi! Mà nếu thằng cháu Hữu phải đuổi học bà
có chết cũng chả nhắm được mắt đâu!
Bà cụ Vuông thở dài. Những cái u về sự oan ức đã xẹp đi trong cái cơ
thể gầy guộc của bà giờ lại tấy lên. Biết kêu ai bây giờ! Kêu giời thì giời
cao, gọi đất thì đất dày. Cực cho cái phận bà quá! Ngày gả chồng cho cái
Khăn bà cũng chỉ mong muốn một việc giản đơn về tình cảm, muốn cho cái
mây quây cái rế. Ai rày thằng Bành lại đốc chuyện. Bà phải bỏ con, bỏ làng
trốn lên đây cho yên phận, thế mà ông giời vẫn không tha. Mấy đứa trẻ dắt
díu nhau đến đây, cứ ngỡ mọi hẫng hụt, trống trải sẽ được lấp đầy, ai ngờ
lại có việc thằng cháu Hữu bị quy tội là kẻ ăn cướp. Có cái gì như dao chọc
vào lồng ngực. Bà muốn chết đi cho rồi nhưng nghĩ đến đám trẻ hồn nhiên,
lòng trắng trong như tờ giấy, bà lại cố gượng, cố phải tỏ ra cứng rắn để khỏi
nản lòng đám trẻ nhất là thằng cháu Hữu. Bà ngồi lặng, trời cũng bắt đầu