hơn! Chết là hết, xương cốt trong những hoàn cảnh này đành vậy. Nay mai
im tiếng súng hai miền, các bà mẹ sẽ đi tìm, nếu còn sống sót ta cùng giúp
các mẹ. Lúc ấy ta cũng có nỗi đau như các mẹ thôi ông chính trị viên đại
đội Thăng kính mến ạ!... Bây giờ ai còn sức tập trung vào củng cố trận địa,
tiếp thêm đạn dược, vũ khí, ngày mai ló mặt trời là chúng nó trả đòn đấy... "
...
- Đoạn văn này Hữu ghi vào cuối mùa hạ những năm bẩy mốt, bẩy hai
ở đồi Mặt Thớt đấy. Khi ấy tôi và Hữu bất đồng với nhau rất nhiều về quan
điểm, nhưng mệnh lệnh chiến trường vẫn phải nhất nhất để giữ kì được đồi
Mặt Thớt. Bây giờ đọc lại, thấy Hữu có lí hơn! Có lẽ cũng phải bỏ một
chuyến đi về vùng khói lửa năm xưa thật!- Thăng thở dài.
- Không chỉ có lẽ mà phải đi- Giọng vợ Thăng cả quyết- Bây giờ thì
vào thắp hương cúng ông Hữu đi, mọi thứ tôi sắm đầy đủ.
Nói rồi vợ Thăng ngoay ngoảy đi xuống bếp. Thăng nhìn Dần rồi vào
buồng đóng bộ quân phục đã bạc màu, đeo quân hàm, quân hiệu rất nghiêm
trang.
Vợ Thăng bưng mâm cỗ đặt ngay ngắn trên án thờ. Thăng thắp nhang,
cả ba người cùng quỳ thụp vái ba lễ. Việc xong, con bé Trầm cũng đi học
về, thấy hương khói nghi ngút trên bàn thờ, nó thỏ thẻ:
- Hôm nay đã đến ngày giỗ bà đâu mà...
- Bác sĩ Dần lên, bố lần quyển nhật kí đọc lại, nhớ ra ngày hôm nay
chính là cái ngày bác Hữu bị dìm trong cái cột sóng khi quả bom từ bụng
cái tàu bay của thằng Mỹ đổ xuống. Bố thống nhất cùng bác sĩ Dần lấy
ngày này làm hương khói cho bác, cũng để lấy luôn cái ngày hai gia đình ta
sum họp. Năm nay là lần đầu tiên làm ở nhà ta, bố đã xin phép thần linh thổ
địa và tổ tiên ông bà rồi. Bác Hữu là người che chở để bố còn sống đến