tử, má phải lặn lội đưa nó ra thành nhờ mấy người bạn xử lí. May mọi việc
đều êm, chỉ tiếc nó thành người tàn tật, chỉ còn một chân và trên người dọc
ngang thương tích. Má con chăm nhau, nó khỏe lại dần, y nhời ông Hai
Sóng bảo lúc vớt nó từ bãi rác lên ghe. Mấy tay hương xã chính quyền ông
Thiệu đến, tra hỏi đủ điều ngược xuôi. Má tút con dao cắm phập giữa nhà
và lôi ảnh mấy thằng con tử trận ra. Mấy tay hương xã tròn mắt. Má chỉ
vào mặt chúng bảo:
- Các con tui đều chết, tui nhặt được người nạn, quốc gia hay Việt
cộng tui không cần biết. Tui cứu nó, ai đụng vào tui sẽ cùng con dao kia
liều một thể...
Thấy má sắt đá, mấy tay lỉnh. Thời gian sau thì đến ngày 30 tháng 4.
Má thở dài.
- Ngày giải phóng- Dần nói chen vào như để lấp tiếng thở dài của má.
- Ngày 30 tháng 4, sau niềm vui ngập tràn là nỗi thắc thỏm lo âu đè
lên đầu má. Ấy là việc đi cải huấn, cải tạo. Lúc này chánh quyền cách
mạng lại đụng đến má. Thằng Hữu và dân xóm Núi Khuất này đứng ra bảo
lãnh nhưng ba thằng con sĩ quan tử trận cho quốc gia là sự thật! Má từng là
bác sĩ phục vụ trong quân đội thời ông Thiệu cũng là thật. Má phải chấp
nhận sự thật ấy chứ không thể nói như trước " Quốc gia hay Việt cộng... ".
Dù thực tế đời má éo le thế nào không ai biết. Má là một bác sĩ ngọai khoa
giỏi, nên quân đội của chính quyền Ngụy trưng dụng má một thời. Cái thời
đó các con không thể biết hết đâu, ngay cả thầy giáo ẻo lả như thư sinh
cũng bị bắt đi lính. Người nào cần thiết cho cuộc chiến này đều bị quẳng
vào. Một thời gian sau, để thoát khỏi cảnh ngộ đó, má đã quyết tâm đổi
hướngg xin đi học Đông y. Má không muốn phục vụ cuộc chiến nữa. Má
muốn chữa bệnh cho dân thường với những phương thuốc cổ truyền của
người Việt ta, dù thật sự mà nói, má rất tiếc đôi tay khéo léo tài hoa của
mình. Nhưng đôi tay ấy dù tài hoa đến đâu mà sinh ra trong thời chiến thì
cũng là đôi tay giết người hoặc giúp sức cho những kẻ giết người. Nghĩ vậy