Ông nắm chặt tay Thăng rồi lặng lẽ rút ra khỏi đám đông. Thăng vẫn
tần ngần nhìn theo. Dần chép miệng bảo:
- Ngôi mộ của chồng má bà con trong ấy chỉ ngụp xuống lòng sông
chỗ bến Hận Thù giặc ném ổng xuống vốc lên nắm phù sa! Tôi đặt thêm
chai nước má hằng cất giữ vào tiểu sành vậy là ổng đã về đây rồi. Còn ba
chú khi đưa hài cốt lên xe bà con trong ấy đều rút khăn lau mắt và cầu cho
nó được siêu thoát. Gió nắng đồng nội sẽ xóa đi tội lỗi của chúng nó những
ngày còn ở trần thế để linh hồn chúng nó được hòa vào sắc xanh của cánh
đồng cùng reo lên bài ca thanh bình của con cháu nay mai...
Chị đưa ba nén nhang cho Thăng. Thăng lặng lẽ thắp ba nén nhang và
vái ba lễ trước khu mộ. Trong mắt Thăng tự nhiên lại lấp lánh sáng lên ánh
lân tinh từ cái chai đèn đom đóm. Ánh sáng ấy bắt vào nắng trời buổi sáng
từ trên đỉnh núi Châm tỏa xuống cánh đồng loang loáng, trong vầng sáng
ấy người ta nhìn thấy dáng hình Hữu hiện ra ngời ngợi.
3. Hồi âm
Câu chuyện về Hữu và những người thân nhân được kể lại trong
những trang tiểu thuyết “Phía chân trời" của nhà văn trẻ Thành Nghị như
huyền thoại, cổ tích nhưng lại có lai lịch, địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Nhiều
người như bị hồn cốt câu chuyện nhập vào ám ảnh. Thế là họ lần mò theo
cái địa chỉ câu chuyện về đến tận làng Thông. Đến nơi ai cũng ngỡ ngàng
khi gặp một hiện thực lại rất giống những hư cấu trong trang tiểu thuyết. Có
người lại gặp may được bà má chữa cho khỏi những bệnh mãn tính mà bấy
nay phải sống chung lại không mất mấy tiền bạc, khi chia tay má và mọi
người ở bệnh viện cứ ngửa tay khóc nức nở!... Trong đám người tìm về ấy
có một ông béo nục, da dẻ đỏ như gấc chín. Ông dừng xe ngay chỗ cái biển
đề: Bệnh viện Dân thường. Lúc ấy bóng chiều đã buông qua bên kia núi Ái,
sương nhòa tím phủ xuống cánh đồng. Bước ra khỏi xe, ông vuốt tay ngược
trán nhìn ra cánh đồng, tự nhiên ông ngã khuỵu xuống. Đám người trong xe
túa ra, họ vực ông dậy và nhanh chóng đưa ông vào phòng cấp cứu. Sau