đóm tỏa ra. Lão chả biết gì nhưng tự nhiên lão thấy lạ, không biết tại sao từ
những nét chữ chi chít thế kia mà sao nó lại có sức thu hút bọn trẻ mê mẩn
quên ăn, quên ngủ, nhất là thằng Hữu. Lão đã từng đốt hết sách vở đánh nó
lằn mông, rách đùi thế mà nó vẫn thì thụt với cái Dần con bà Dậu tìm mọi
cách để học cái chữ. Đúng là những cái chữ kia có phép, có hồn ma của
ông bà Cúc nhập vào thật. Lão nghĩ đơn sơ vậy và lão lặng lẽ sắp xếp lại
những quyển sách, quyển vở gọn gàng vào một chỗ rồi lão ngồi tựa lưng
vào cái cột nhà nhìn chúng ngủ ngon lành. Lão tự thấy mình phải có trách
nhiệm lớn trong cái nhà này thì mới làm thanh thản được linh hồn của bố
bầm thằng Hữu ở nơi chín suối. Lão thổn thức khóc. Thằng Hữu giật mình
thức dậy, thấy lão tựa cột nhà, hai tay bo mặt. Thằng Hữu rón rén lại gần,
giọng nó thủ thỉ hồn nhiên:
- Bố đi ngủ đi, khuya lắm rồi đấy bố ạ! Không ngủ cái bệnh nó lại
quay về thì khổ lắm đấy bố ạ!
- Con đừng lo, bố khỏe lắm rồi, cái bệnh nó không về được nữa đâu.
Ngày mai bố sẽ đi sắm lễ để sêu cây thuốc, sêu cây thuốc rồi bố sẽ đến bảo
ông Bếp Thìn cử việc cho bố đi làm, cứ ở nhà mãi thế này lấy gì mà ăn vả
không đi làm cái bệnh nó lại quay về đấy- Lão lại thở dài và nhìn thằng
Hữu, giọng lão âu yếm- Có phải thế không con?
- Phải bố ạ! Khỏi bệnh bố đi làm nếu bác Bếp Thìn cử bố làm bảo vệ
thì hay cho nhà mình lắm.
- Ừ, bố cũng thấy thế, làm bảo vệ buổi chiều bố vẫn có thể kết hợp
chăn thêm được con trâu.
- Vâng, nếu bố chăn thêm được con trâu thì buổi sáng con đi học, buổi
chiều con xin bác Bếp Thìn cho con đi làm các việc vừa với sức của con thì
nhà mình sẽ có thêm nhiều công điểm hoặc con sẽ đi lấy củi, gặt lúa chong
thêm vào, mỗi thứ một tí dần sẽ hết khó khăn thôi bố nhề!