Sau bữa sáng, cả tổ quyết định vượt qua Cổng Trời để thị
sát phía tây. Kỳ lạ quá, chỉ vượt qua Cổng Trời chừng trăm mét
thì trời bỗng bừng sáng. Những đám mây u ám, những cơn
mưa rả rích và không gian ẩm ướt hoàn toàn biến mất. Trời
cao thăm thẳm, nắng chói chang. Dòng suối trong vắt hiền
hòa. Vài bông hoa cúc dại màu vàng điểm xuyết trên vách đá
với đàn bướm đủ màu thoắt bay, thoắt đậu.
Dưới cái nắng vàng tươi ấy, cả tổ quyết định dừng lại tắm
giặt cho bõ những ngày ẩm ướt, nhớp nháp của mùa mưa bên
đông Trường Sơn. Thật khoan khoái khi được ngâm mình
trong dòng suối trong vắt, được phơi mình dưới ánh nắng rực
rỡ. Họ chọn một bãi trống để phơi ba lô và đồ đạc, rồi đi dọc
suối hái rau, bắt ốc chờ cho quần áo khô sẽ trở lại Cổng Trời.
Ngọc ngây ngất trước cảnh rừng già hùng vĩ. Đã từng được
theo cha sống ở chiến khu Việt Bắc thời chống Pháp, rồi đi sơ
tán ở Lạng Sơn thời đại học, trong đầu anh, rừng già bao giờ
cũng gắn với núi dốc, dây leo chằng chịt. Vậy mà không biết ở
đây rừng đã có mấy trăm năm, cây nào cũng to bằng mấy người
ôm. Cây thì cao vút, cây thì tán lá khổng lồ với những cành to
bằng cả người ôm vươn ra soi mình xuống dòng suối. Rừng
bằng phẳng, dưới tán rừng chẳng có mấy dây leo, thậm chí có
chỗ sạch sẽ như có ai quét dọn. Phong cảnh thanh bình đến kỳ
lạ, dù chốc chốc vẫn có tiếng bom vọng lại. Quá trưa thì bữa
cơm ngon miệng với ốc suối và rau rừng kết thúc, quần áo đồ
đạc khô cong. Cả tổ trở lại Cổng Trời.
Hồng đưa nhóm cán bộ kỹ thuật đi dọc theo con đường
đầu năm ông đã đi khảo sát với tư cách Chỉ huy phó Công
trường Ô100. Tuyến ống sẽ dựa chủ yếu vào đường giao liên.
Tuy nhiên đường giao liên đi trên cao và cách đường ô tô xa
quá nên việc vận chuyển ống vào tuyến sẽ rất khó khăn. Lần
trước, ông đã tìm hiểu và biết ở đây có con đường gọi là đường