binh, cao xạ, lái xe, ta đã đưa được bốn mươi xe xăng qua trọng
điểm này. Tuy nhiên, sau lần đó, địch ngăn chặn quyết liệt
hơn, xe không thể qua được, mà 559 thì không thể chờ. Từ việc
chuyển xăng ngược sông Son lên Cường Hà, ta hãy thử kéo các
phuy xăng ngược suối Trà Ang.
Tiểu đoàn trưởng trải sơ đồ bảo đảm giao thông lên bàn,
trình bày toàn bộ tình hình, quy luật đánh phá của địch. Cuối
cùng, anh nói:
- Với mức nước hiện nay có thể kéo các phuy xăng ngược
suối. Tuy nhiên, toàn bộ khúc suối chúng ta chuyển tải đều
nằm trong khu vực trọng điểm, lại không có hầm trú ẩn nên
nếu bị đánh lúc đang làm việc thì rất nguy hiểm. Bởi vậy, cần
chuẩn bị kỹ.
Binh trạm phó đồng ý và yêu cầu ngay lập tức ra nghiên
cứu thực địa.
Đoạn đường chạy dọc suối Trà Ang đi trên sườn núi đá,
nằm trong vùng Phong Nha Kẻ Bàng. Giữa rừng đại ngàn ngút
ngát, suốt bốn cây số trọng điểm, đá bị bom đào lở lói, trắng
xóa. Những đại thụ đã cắm rễ sâu vào đá cả thế kỷ, giờ bị bom
chém, chặt hàng trăm lần, cây còn nửa thân, cây còn lại những
khúc cành tướp táp. Chúng đã chết từ bao giờ, cháy đen,
nhưng vẫn đứng trơ trơ gan lỳ, in hình trên nền trời xám xịt.
Vì đi qua vách đá nên đường tắc chủ yếu không phải do lầy, mà
do hố bom đào sâu xuống nền, hoặc những khối đá bị bom, rơi
từ trên vách xuống. Không phải nền đất nên việc làm hầm trú
ẩn dọc đường rất khó khăn. Đơn vị bảo đảm giao thông trên
những cung đường vách đá như thế này thương vong thường
lớn. Giữa mùa vận chuyển cao điểm, có khi mỗi tháng hàng
trăm chiến sĩ công binh hy sinh.