Chừng một giờ sau, Đại đội trưởng Chiến báo cáo, chỉ một
số ống bị trúng bom bi, anh em đã lấy que tre đóng vào các lỗ
thủng, dùng dây cao su cố định để que tre không bật ra. Đề
nghị bơm tiếp. Dòng xăng chảy vào bể kho Na Tăng lại được
hướng theo tuyến ống, qua trạm bơm vào bản Say.
Khi trên đường dây vang lên tiếng reo của Thục: Xăng đã
vào kho bản Say, cả Sở chỉ huy vận hành như vỡ òa trong niềm
vui sướng. Vậy là dòng xăng hôm nay đã liên tục chảy trên suốt
tuyến của Binh trạm 691 với chiều dài 325 cây số từ cảng Vinh
trên đất Nghệ An vượt đỉnh Trường Sơn qua các trọng điểm
050, qua Na Tăng và ngầm bản Lắc, đến tận kho bản Say. Đây
có thể coi là kỳ tích lắm chứ.
Một buổi chiều, khi tan lớp, Khanh nhận được thư của
Thục.
Khanh ơi. Anh viết cho em lá thư này trong một hang đá ở tây Trường
Sơn. Thế là từ đây về đến nơi em có thêm dãy Trường Sơn cách trở. Một
tháng nay đơn vị phải thường xuyên đấu trí với máy bay Mỹ. Mỗi ngày, dù
ra tuyến ác liệt, vất vả bao nhiêu, khi ngả lưng xuống anh vẫn không sao
nguôi được nỗi nhớ về Hà Nội, về xứ Đoài, nhớ những người thân thiết.
Không biết đến bao giờ anh lại được ra bến xe thay anh Sơn đón em như tối
thứ bảy ấy. Em biết không, hồi còn học ở Trường Sĩ quan, những buổi chiều
cuối tuần em từ Hà Nội về là những ngày mong đợi và vui nhất đối với anh.
Hôm nào em xuống xe trời cũng đã sẩm tối. Đường thì vắng vẻ, em đi một
mình anh chẳng yên tâm. Anh rất muốn xin phép bố mẹ em để được đi đón
em, nhưng anh không dám. Thế là chiều thứ bảy nào anh cũng ra bến xe
chờ em. Rồi anh cứ lặng lẽ đi cùng em suốt đoạn đường từ bến xe về tới
nhà, cách sau em một quãng xa, cho đến khi bóng em khuất hẳn sau hàng
dâm bụt vào cổng nhà, anh mới yên tâm quay về. Anh không định nói điều
này với em. Nhưng cứ mỗi chiều thứ bảy đến, hình dung em đang một mình