Từ chỗ đóng quân của Tiểu đoàn về nhà mất hai giờ ô tô.
Mỹ đã ngừng ném bom miền Bắc, đường về đã không còn phải
vượt qua các trọng điểm ác liệt, nhưng qua hơn ba năm bom
đạn cày xới, mọi con đường đều gập gềnh ổ trâu, ổ gà. Đất
nghèo Hà Tĩnh của ông đã chịu đựng biết bao bom đạn. Các
làng quê, phần lớn trai tráng đã ra trận, mọi lo toan đặt cả lên
vai người phụ nữ. Nhưng không biết có phải Hà Tĩnh vốn là
đất văn thơ, đất của những điệu hò ví dặm, mà chỉ cần ngừng
tiếng gầm rít của bom đạn, khung cảnh lại trở nên thanh bình
nên thơ kỳ lạ. Những mái tranh thấp thoáng dưới bóng cau,
bóng kè. Chiều, những con trâu lững thững về làng, những làn
khói bếp bảng lảng tan dần trong tán cây mít, khóm tre.
Những đêm sáng trăng vẫn nghe những điệu hò câu hát đâu đó
vẳng lên từ xóm làng. Ngôi nhà của Đình ẩn mình cuối xóm.
Vẫn mái tranh nghèo như lúc anh ra đi. Giờ sống dưới mái
tranh ấy là mẹ già mắt đã lòa, người vợ đảm đang, vai gầy gánh
mọi nỗi cực nhọc chăm sóc mẹ chồng, nuôi dạy ba đứa con thơ.
Biết Trần Đình chuẩn vị vào chiến trường, mẹ vuốt lên mái
tóc, sờ lên mặt Đình. Bà khóc:
- Con cũng đã có nếp nhăn trên mặt rồi. Ngày con đi chỉ
mới là cậu bé mười tám. Khổ thân con tôi, suốt đời trận mạc.
Thôi con cứ yên tâm mà đi đi. Con không vào chiến trường thì
cũng mấy khi được ở nhà đâu. May quá, con dâu mẹ nó đảm
đang thương yêu mẹ chồng nhất mực.
Đêm ấy, không biết bao lần nước mắt chị thấm ướt áo anh.
Hơn hai mươi năm trời làm vợ, đã có với nhau ba mặt con mà
dồn lại, dễ gì được một năm. Lần này anh đi vào nơi bom đạn
dày đặc thế, lỡ có mệnh hệ gì. Anh an ủi vợ rằng: dù ác liệt thì
chắc cũng chỉ hơn nó đánh quê mình chút đỉnh thôi. Vả lại,
nhà mình dù sao cũng đã có ba mặt con. Đã có người nối dõi.
Đơn vị có nhiều người độc đinh trong nhà, mới lấy vợ, chưa có