Thục nằm gối lên hai bàn tay, trân trân nhìn lên trần hang
đá, trong lòng anh bỗng trào lên nỗi nhớ Khanh da diết. Vào
đến đây anh mới hiểu hết sự ác liệt của tuyến lửa Trường Sơn.
Chàng trai đã ra đi, mang theo tình yêu của một người con gái.
Còn anh? Tối nay, anh sẽ lại cùng đội chuyển tải bước vào một
trận chiến đấu mới. Điều gì sẽ đến với anh, thật khó mà nói
trước được. Nếu ra đi, anh sẽ mang theo một mối tình thầm
lặng với Khanh. Mối tình ấy thật trong trẻo, ngọt ngào, thánh
thiện cùng những ký ức, kỷ niệm đẹp mà anh cất giữ trong sâu
thẳm tâm hồn. Hình ảnh Khanh luôn theo anh trên mỗi bước
đường hành quân, cả những lúc vất vả nhất, hay những phút
giây thư dãn hiếm hoi của người lính thời chiến tranh. Đôi khi
nó trở thành nỗi nhớ da diết làm anh quặn thắt trong lòng.
Khanh, cái tên ấy trong anh thật thiêng liêng, trìu mến. Buổi
sáng yên tĩnh lạ thường, trong hang đá giữa rừng Trường Sơn,
nơi trọng điểm ác liệt này, những kỷ niệm bỗng ùa về. Không
biết đây có phải là nỗi nhớ cồn cào của người lính trước khi
bước vào trận đánh?
Thục và Khanh quen nhau từ những ngày học ở trường nơi
sơ tán. Ngày ấy Khanh còn là một cô bé thật dễ thương với đôi
mắt trong veo và mái tóc với những lọn xoăn mềm mại rủ
xuống trán. Thục hơn Khanh bốn tuổi, là bạn cùng học với Sơn
anh trai Khanh. Anh được người chú đưa ra học và ở cách nhà
Khanh một cái ngõ dài trong cùng khu tập thể. Không hiểu vì
sao khi đến nhà Sơn chơi lần đầu, vừa gặp cô bé Khanh, anh đã
có một cảm giác thật thân thương, trìu mến. Ngày ngày anh chỉ
muốn được đi học chung cùng đường với em để chăm sóc và
bảo vệ em vì những buổi chiều đi học về bọn con trai trong
làng thường hay ra đón đường trêu chọc: "Ê! Cô bé tóc xoăn, dân
Hà Nội sơ tán chính gốc đấy chúng mày ơi!".
Có lần anh phải xông ra
đánh nhau giải tán đám con trai ngỗ nghịch khi chúng định
bày trò trêu em bằng cách giằng lấy cặp sách giấu vào bụi cây.