Sau lần đánh nhau ấy, bọn chúng không còn dám bén mảng
đón đường trêu em nữa. Kỷ niệm thiếu thời thật vô tư, hồn
nhiên, trong trẻo. Khanh đáp lại sự quan tâm của Thục bằng
sự chăm sóc dịu dàng nho nhỏ. Em phát hiện ra có một cái hốc
xinh xắn trong góc tường đầu ngõ gần nhà anh. Mỗi sáng sớm
trước khi đi học em thường gửi vào đó cho anh những món
quà, khi thì là một củ khoai nướng nóng hổi, thơm phức, khi
thì lọ mực, quả na chín và dặn anh đến lấy. Em nói thương anh
xa nhà nên không có được bàn tay chăm sóc của mẹ, không
được ăn uống đầy đủ như ở gia đình, thật khổ thân. Lâu dần,
cái hốc ấy trở thành "bưu điện" để có bài toán khó, không giải
được, em cũng để vào đấy nhờ anh giải hộ. Em coi anh như
một người anh trai che chở. Còn anh thì chăm sóc em như một
cô em gái nhỏ với một mối cảm tình thầm lặng không diễn đạt
thành lời.
Tuổi trẻ con vô tư qua nhanh, anh tốt nghiệp cấp III, rồi
thi đỗ vào đại học. Tròn 17 tuổi, anh dã từ trường học sơ tán và
xa em. Ngày tiễn biệt anh, em đã khóc. Em hỏi có bao giờ anh
trở lại nơi này nữa không? Em đã dành cho anh sự lưu luyến
của một cô em gái khi phải xa người anh của mình không biết
bao lâu nữa mới gặp lại. Còn anh, chính ngày chia tay ấy, anh
đã mơ hồ hiểu thế nào là cảm xúc bâng khuâng đầu đời của
tuổi học trò. Anh nhập học ở trường đại học trên Hà Nội. Quê
anh, một vùng biển đẹp và nghèo, những người dân bám biển
để sống qua ngày. Rồi bất hạnh bất ngờ ập đến gia đình anh.
Mẹ anh mất vì bệnh, cha suy sụp nhưng ngày ngày vẫn phải
gắng gượng ra khơi đánh cá nuôi các con ăn học. Vào một ngày
bão tố, cha anh không thấy trở về, nhà cửa ở quê bị lốc cuốn
hết, người nhà báo lên và anh gấp gáp về quê hy vọng cùng mọi
người tìm được cha và trợ giúp cho các em còn bé dại qua cơn
hoạn nạn. May mắn sao cha anh thoát chết, 3 ngày sau tan bão,
người ta tìm thấy cha anh cùng mảnh thuyền bị sóng đánh tan