xong, là chúng rủ nhau đi tìm cái ăn. Cuối mùa mưa, măng dọc
đường giao liên hầu như không còn. Chúng lay những thân
tre, lồ ô chưa bung lá để cái ngọn gãy xuống, rồi tỉ mẩn bóc lớp
vỏ bên ngoài, lấy dao cắt những khúc non ở sát mắt. Mỗi mắt
như vậy, có khi chỉ được ít mẩu bằng đốt ngón tay, nhưng gom
lại cũng được nồi măng nho nhỏ luộc ăn xì xụp. Có em mang
theo cả súng cao su bắn chim. Chỉ cần một chú chim chích nhỏ
là có thể có một bữa ăn "thịnh soạn".
Cái đói cũng theo chân những người lính đường ống. Sức
trẻ ba lạng gạo một ngày, lại chẳng có thức ăn gì ngoài mắm
kem. Mặc dù rất bận rộn, Ban Kỹ thuật cũng phải cắt cử nhau
chăm sóc vườn rau, vào rừng kiếm thêm củ mài và cắt những
cây măng già muộn mằn để tăng thêm thực phẩm. Có lần, Thu
đi tuyến về, khệ nệ vác một bao gạo, đặt xuống sân Tiểu ban,
vô cùng đắc ý:
- Đại tiệc đây. Đại tiệc đây!
Mọi người chạy ra xem. Trời ơi, giữa lúc đói kém, mà kiếm
đâu ra bao gạo trắng muốt thế này. Thu giải thích:
- Cánh lái xe vứt lại bên đường. Chắc bao gạo để gần thùng
xăng, xăng ngấm vào gạo nên các vị ấy chê. Ta sẽ tìm ra cách để
khắc phục. Một bao gạo thế này, nỡ nào lại vứt đi.
Lúc này mọi người mới nhận ra mùi xăng bốc nồng nặc từ
bao gạo. Cả Tiểu ban lấy tăng, lá chuối rừng trải ra sân phơi,
hy vọng mùi xăng sẽ bay đi, gạo sẽ ăn được. Phơi hai nắng, gạo
khô rang mà vẫn nồng nặc mùi xăng. Không sao, có thể khi
nấu thành cơm, thêm một lần nữa mùi xăng sẽ giảm bớt. Khi
cơm chín, mở vung ra thì không ai có thể đứng gần nồi cơm
được. Mùi xăng thốc vào mũi khiến mọi người nôn ọe. Thế là
đành bỏ bữa đại tiệc.