sợi dây trần thông tin được bện lại thành "cáp", mố cầu và hệ
thống tời được chế tạo từ thân cây gỗ lim trong rừng; độ võng
của dây được tính toán cẩn thận và trên thực địa, được xác
định bởi một đoạn trúc có gắn với một ống nước cất của quân y
thay cho bọt thủy. Cầu được gia cố bằng dây song mây, có lát
ván cho bộ đội đi tuần tra bảo vệ tuyến. Sau nửa tháng trời vất
vả, với tất cả những gì có trong tay, một chiếc cầu treo "hiện
đại kiểu Trường Sơn" đưa ống vượt qua vách đá đã hoàn thành.
Bàn tay khéo léo của những người lính đã tạo nên một chiếc
cầu treo thơ mộng. Những đêm trăng, nam nữ chiến sĩ có thể
đứng trên cầu ngắm trăng, ngắm núi rừng hùng vĩ và cả dòng
suối phía dưới đang tung bọt trắng. Ngày thử rửa , nước từ
trên đỉnh Đá Bàn lao xuống, sôi réo trong ống, vượt qua cầu
treo. Đây là thời khắc cầu chịu tải lớn nhất. Hành lo lắng đến
nghẹt thở. Chỉ đến khi hai tuyến ống qua cầu oằn mình, rồi trở
lại vị trí thăng bằng trong tiếng reo hò của bộ đội đứng hai đầu
cầu, Hành mới thở phào nhẹ nhõm. Anh lại nhớ đến câu của
Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên: Không có đủ điều kiện như sách vở,
mà vẫn biết cách vượt qua để thành công, đó mới là bộ đội
Trường Sơn.
Ngọc và Quang được ra Hà Nội cùng Lê Trọng. Tuyến ống
trên Trường Sơn đã vào đến chiến trường Tây Nguyên. Còn ở
miền Bắc, một tuyến ống kéo dài hàng ngàn cây số, từ Hữu
Nghị Quan đến điểm đầu của bộ đội đường ống Trường Sơn,
không chỉ là đường ống dã chiến, mà có cả đường ống hàn hiện
đại. Những ngày ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ
hai, cả miền Bắc đã gồng mình để đưa xăng ra tiền tuyến. Lê
Trọng muốn cán bộ kỹ thuật của mình hiểu rõ điều ấy và học
hỏi thêm ở hậu phương những kiến thức cần thiết khi lắp các
tuyến ống song song.