đoàn người thân và xóm giềng, đưa anh về nơi an nghỉ cuối
cùng. Ban nhạc hiếu của phường, nơi anh sống, hầu hết cũng
là cựu chiến binh, đã tấu bản nhạc Hồn Tử sĩ trước khi hạ
huyệt.
Những nắm đất của người thân và đồng đội thả xuống
huyệt. Những người phu huyệt đắp lên nơi anh nằm thành một
nấm mộ. Rồi những vòng hoa, những nhang hương nghi ngút
khói. Lặng lẽ. Không có tiếng gào khóc. Chỉ có tiếng nấc nghẹn
của mẹ anh, của cô em gái. Con gái anh mấy hôm nay chắc đã
khóc hết nước mắt. Cô rũ xuống trong vòng tay mấy người
bạn, chốc chốc cào xuống lớp cỏ mới đắp, nói trong tiếng nấc:
"Bố ơi, sao bố nỡ bỏ con đi, bố ơi! "
Sau khi hoàn thành thủ tục mai táng, Lê Trọng đề nghị
anh em cựu chiến binh lưu lại thêm ít phút để cùng nhau tiễn
biệt Đỉnh lần cuối cùng. Gia đình Đỉnh: Mẹ anh, cô con gái, và
vợ chồng Mai cùng ở lại. Những người cựu chiến binh đứng
vòng quanh mộ Đỉnh. Lê Trọng chắp hai tay, nâng nhang
hương nghi ngút khói, và khấn:
- Đỉnh ơi! Từ những ngày ác liệt trước hang Gấu Đen, đến
nay đã ba mươi năm rồi. Hôm đó, quả bom từ trường cuối cùng
trên tuyến nổ, Đại đội đã an toàn, còn anh thì một mình lãnh
trọn cả trái bom, sống phần đời còn lại biết bao gian nan vất
vả. Anh ra đi, mang theo niềm tự hào cao thượng. Những
người lính cùng Đại đội biết ơn anh. Chúng tôi biết ơn anh. Xin
anh hãy yên nghỉ. Chúng tôi, mỗi người nguyện sẽ sống tốt
phần đời còn lại để xứng đáng với những người như anh,
những người đã mãi mãi nằm lại trên đại ngàn Trường Sơn và
khắp các chiến trường.
Họ mặc niệm tiễn đưa đồng đội. Mỗi người một nhang
hương cắm lên mộ Đỉnh. Chiều đông, những đám mây xám