Đúng vậy đó Khanh ơi. Anh sẽ sống để chờ ngày đó. Thục
tâm niệm. Dưới ánh nắng chiều đang tan dần trong tán lá,
Thục bắt đầu viết những dòng nhật ký đầu tiên:
Ngày 15-6-1968.
Khanh ơi. Bắt đầu từ ngày mai anh sẽ theo tuyến đường
ống. Theo yêu cầu chiến đấu, đường ống sẽ vươn ngày càng sâu
vào mặt trận. Đường ống đến đâu, anh sẽ đến đó. Anh vẫn luôn
mơ tới ngày được gặp em, được nắm bàn tay em, được nhìn
thật sâu vào đôi mắt thăm thẳm của em mà không sợ em coi là
bất nhã. Nhưng chiến tranh còn dài, đường anh đi thì đầy bom
đạn, chẳng biết cái ngày anh ao ước ấy có trở thành sự thật?
Anh nhớ mãi cái đêm ở biển lửa suối Trà Ang. Người con trai
đã dùng chút tàn lực nhờ anh chuyển cuốn nhật ký cho người
yêu trước khi tắt thở trên tay anh. Người con trai ấy đã thường
xuyên viết nhật ký để người yêu hiểu thấu nỗi nhớ của mình.
Chàng biết rất rõ ở đầu kia, nỗi nhớ cũng triền miên khắc
khoải. Nỗi nhớ người yêu trong chiến tranh nó kỳ lạ lắm, bởi
trong nỗi nhớ ấy luôn có lời cầu nguyện cho người mình yêu
được bình an. Anh nhớ như in khi anh trao cuốn nhật ký cho
người con gái. Chỉ đọc được trang đầu là cô gục xuống bàn òa
khóc. Cô khóc nấc lên từng đợt khiến anh không sao cầm lòng.
Người con trai ấy ra đi đã neo lại trên đời một địa chỉ. Sẽ có
một người con gái mang nỗi nhớ của anh ấy đi hết cuộc đời.
Còn anh, em biết không, khi ngủ, lúc hành quân, ngay cả khi
vốc tay uống ngụm nước suối mát, lúc nào anh cũng thấy hình
ảnh của em. Nỗi nhớ theo anh vào tận đáy con tim, nó không
chỉ cho anh cảm thấy bồn chồn, mà nhiều khi anh cảm thấy
như có cái gì đau thắt. Có thể mai đây, anh cũng sẽ ngã xuống
như chàng trai kia, và nỗi nhớ của anh biết có đọng lại trong
cuộc đời em? Có thể em biết, rồi nhẹ lòng quên lãng. Có thể nỗi
nhớ của anh đơn côi tan biến vào không gian và thời gian.