điểm khó khăn nhất của tuyến X42. Đây không chỉ là nỗi lo của
Công trường, mà còn là nỗi lo của lãnh đạo Tổng cục. Bởi vậy
các kỹ sư được đào tạo Liên Xô về đều có mặt. Còn những
người mới ra trường như Quang chỉ được làm theo lệnh và
thực hiện những việc kỹ thuật đơn giản. Không thể triển khai
vượt sông theo bài bản của quân đội Liên Xô, nhưng Tổng cục
đã triệu tập về đây một đội ngũ thợ lắp ráp lành nghề của Công
ty Gang thép Thái Nguyên, một đội thợ lặn để xử lý các sự cố
dưới nước.
Khi Quang đến bến đò thì nhóm thợ lặn đã kéo được một
sợi cáp qua sông. Ở bờ nam sông, người ta bố trí một chiếc xe
Gaz69 để kéo ống với sự hỗ trợ của hàng trăm dân công. Bến đò
Vạn Rú chỉ cách trọng điểm Rú Trét chưa đến một cây số. Bởi
vậy nếu tổ chức vượt sông không chu đáo, để địch phát hiện
thì tổn thất thật khó lường. Bờ bắc bến đò là bãi cát thoai thoải
nên thuận lợi cho việc lắp ống và xử lý trên bờ. Đoạn ống vượt
sông được lắp sẵn giấu kín trong ruộng ngô. Ở đầu ống, các kỹ
sư cho lắp một cút chữ T để buộc cáp. Một đoàn người đứng
dọc theo đoạn ống đã lắp, sẵn sàng cùng nhau nhấc ống và đẩy
đi khi ống được kéo về phía nam. Ở bờ nam, đoàn người đứng
kín hai bên sợi cáp như chuẩn bị kéo co.
Mọi việc chuẩn bị đến chín giờ tối thì hoàn tất. Chỉ huy
phó Công trường Đặng Văn Thế đứng trên bờ nam sông chỉ
huy. Ông hô toàn Công trường chú ý, rồi bắn một phát súng chỉ
thiên. Theo quy ước, đó là tín hiệu mọi người vào vị trí sẵn
sàng. Chiếc xe bắt đầu nổ máy. Ít giây sau, hai phát súng tiếp
theo. Đó là tín hiệu bắt đầu kéo ống qua sông. Tiếng dô ta dô
huầy của đoàn người át cả tiếng máy ô tô đang ì ạch nhích từng
chút, từng chút. Đoàn người gò lưng kéo theo nhịp. Chẳng mấy
chốc đoạn ống như con rắn đã bò dần ra giữa sông. Bờ nam cứ
kéo, bờ bắc cứ đẩy, còn dòng nước càng ra giữa sông càng xiết