còn trong cõi tục. Mấy tháng sau Mỹ Xuân đã làm cho Mục Nhiên mê mẫn.
Đó là lúc nàng bắt đầu nhuộm đỏ nhà sư. Ông này cũng đã đổi khác cách tu
hành mà không hay biết. Thay vì tinh cần tu tập để đi từ chân không (của
thế gian) đến diệu hữu, ông đã đảo ngược đường tu và đi từ diệu hữu (của
chánh pháp) đến chân không. Những lúc khát ái với Mỹ Xuân mà nàng
chưa kịp đến, ông cảm thấy xao xuyến trống rỗng. Kinh kệ chống chiêng
cũng không làm tâm ông an định…
Về đến nhà, Mỹ Xuân gặp ngay Khánh Dung đang đọc truyện. Khánh
Dung không chần chừ kể cho Mỹ Xuân nghe chuyện trong cứ. Mỹ Xuân rất
mừng: con trai và cháu trai của nàng vẫn còn mạnh khoẻ. Qua câu chuyện,
Mỹ Xuân biết được Khánh Dung đã ăn ở với Huy Khang và trở thành dâu
con của nhà này. Lúc đó Khánh Dung nói:
“Anh Khang có nhờ cháu chuyển cho dì bức thư này…”
Rồi cô lấy trong túi áo bức thư viết trên giấy tập đưa cho Mỹ Xuân. Dì
Xuân vừa đọc vừa nghe dư vị của cảm giác khoái lạc còn âm vang trong
người. Bức thư báo cho biết việc Mạnh Cường và Huy Khang sẽ ra Bắc
một thời gian, rồi những lời quyết đoán ngày về vinh quang trong chiến
thắng của CS. v.v… Cuối cùng bức thư viết:
“Sở dĩ cháu thay anh Cường viết bức thư này vì một vấn đề riêng của cháu
và Khánh Dung. Chúng cháu đã ăn ở và kết nghĩa vợ chồng; hiện nay Dung
đang mang trong người một giọt máu của cháu và phải về nhà chờ ngày
sinh nở. Cháu nhờ dì cùng với mẹ Khánh Dung chăm sóc cô ấy thay cháu
để đến ngày sinh sẽ được mẹ tròn con vuông. Cháu rất mang ơn dì …”
Mỹ Xuân đọc xong lời chào cuối thư, mỉm cười hỏi Khánh Dung:
“Có thật cháu và thằng Huy Khang đã nên vợ chồng và cháu sắp có con
không?”
“Dạ phải…” Khánh Dung bẽn lẽn nói.
“Vậy thì tốt quá, dì sẽ giúp đỡ cháu trong lúc Huy Khang vắng nhà. Cần gì
thì cháu cứ chạy qua đây nói với dì. Rồi dì cũng sẽ gặp mẹ cháu để trao đổi
về việc này.”