nhưng là giọt máu của Hồ gia sư. Nhưng nó sẽ không nói với ai chuyện này
cũng như chuyện tối hôm qua bởi nó không muốn bị tống cổ ra khỏi nhà
ông phú hộ. Cũng có khi nó khó giữ toàn tính mạng nếu một người nào đó
trong cuộc nảy ra ác ý giết người diệt khẩu. Tuy nhiên khi thấy bà thứ thiếp
ngả ngớn, õng ẹo đi qua trước mặt nó, nó thấy có gì lướng vướng trong đáy
quần, có cái gì đó đang hoạt động. Nó biết mình đã đến tuổi dậy thì và nó
nhất quyết tìm cho mình một người vợ.
Dù nó không nói gì nhưng hai năm sau, khi Sách được ba tuổi nó thường
nghe vợ các tá điền và mấy bà già thì thầm với nhau chuyện Hồ gia sư dan
díu với bà thứ thiếp và Sách là giọt máu của Hồ gia sư nhưng nó vờ không
nghe thấy hoặc tuyên bố không tin. Thêm một năm nữa Hồ gia sư khăn gói
về lại Huỳnh Lưu. Đám học trò đến thọ giáo một nho sĩ khác trong làng.
Cũng may mà lương tâm không chết: nó có thể chết trong lòng một nhà nho
ngạo mạn, một thứ thiếp dâm tà hoặc một thằng bé nghèo không nơi nương
tựa nhưng vẫn sống nơi những bà nhà quê chân lấm tay bùn.
Năm mười bảy tuổi Lê Thát tìm được một con gái chịu làm vợ nó, Nguyễn
phú hộ cho hai vợ chồng nó ít tiền làm vốn trước khi nó vào Nam đến sông
Nghiệt lập nghiệp. Nó coi đồng tiền mà phú hộ cho nó là để trả công việc
nó đã biết im lặng trước điều xấu, nhưng nó cũng xấu hổ đã không có đủ
dũng khí tố cáo điều tà vạy của Hồ gia sư và bà thứ thiếp. Nó hèn … nhưng
nó tự bào chữa …như nhiều người khác cũng hèn kể cả những nhà nho,
những ông sư vì ở xứ sở này hôm nay người ta chuộng sỉ diện hơn chân lý.
Đến sông Nghiệt, Lê Thát để vợ mới cưới ngồi trên lề đường, đi bộ một
vòng giữa cảnh hoang vu bên này bờ sông, không mái nhà, không làn khói
lam từ những chỗ nấu nướng bốc lên, khác hẳn với xóm chài xa xa bên kia
bờ sông. Rõ ràng bên này thiếu sự sống nhưng Thát thấy phong cảnh có vẻ
thanh quang liền chọn đất này để lập nghiệp. Ngay ngày hôm đó Thát đưa
vợ quay lại Thạnh Mỹ tá túc nơi nhà một bà goá, buổi tối đến nhà một thợ