người trắng hếu của Bảy Long, và hai ống tre màu trắng chính là hai ống
quyển của bộ xương. Bác ta kêu lên thảng thốt:
“Trời ạ, một bộ xương người đang ngồi trên cây.”
Bác ta rút cây tầm vông lại chạy ra xa gốc cây năm sáu bước. Văn Cám
cũng thấy bộ xương và nhận ra ngay là bộ xương của Bảy Long vì cái khăn
rằn có khâu một mảnh vải đỏ còn đeo quanh cổ. Hắn nói với bác nông dân:
“Này đừng báo cho ai biết chuyện này nhé, đó là bạn của tôi bị Tây bắn
tưởng mất xác nay mới tìm thấy.”
“Ai nói làm gì, thôi tôi về đây tự chú em lo liệu.”
“Để cây tầm vông lại cho tôi mượn.”
“Như vậy tôi sẽ không dùng được nữa vì nó đụng vào xác chết.”
“Vậy bán lại cho tôi nhé, tiền đây lấy đi .”
“Thôi cũng được, tôi chỉ mất công mua lại cây khác.”
Còn lại một mình, Văn Cám leo lên một cây bên cạnh có cành hướng vào
chỗ bộ xương. Anh ta dùng cây tre xeo cho bộ xương ngã xuống, sau đó
giấu vào một chỗ khác gần gốc cây, bẻ lá phủ lại rồi quay về báo cho Mỹ
Xuân, Mỹ Đông, Ngọc Thu, người nhà và một đệ tử học võ của Bảy Long
biết. Họ đợi khi trời thật tối đem xương ấy vào chùa để chôn trong đất
chùa. Ngày hôm sau làm tuần thất nhật cầu siêu cho người chết.
Từ lúc biết tin chồng chết, Mỹ Xuân khóc lóc thảm thiết, đầu tóc xổ tung
phủ phục dưới đất kêu trời. Văn Cám phải an ủi và xin đừng khóc lớn, dễ
làm kinh động làng xóm và mấy thằng lính làng theo Tây. Bấy giờ, Mỹ
Xuân chỉ còn biết sùi sụt nức nở.
Trong bảy ngày cầu siêu, Văn Cám luôn có mặt bên cạnh Mỹ Xuân và
người thân của nàng. Nhân dịp này để cởi mở tâm sự và làm khuây khỏa
Mỹ Xuân, Văn Cám kể lại cho Mỹ Xuân nghe mối tình đầu éo le của mình
(hoàn toàn do tưởng tượng dựa vào một kịch bản cải lương mà hắn rất
thích) với Kim Thản vì nhan sắc của cô này đã để lại dấu ấn mạnh mẽ trong
tâm hồn hắn. Mỹ Xuân tò mò hỏi:
“Vậy ra có một mối tình tay ba giữa anh, Kim Thản và Lê Bát, giống
chuyện Táo quân?”
“Gần như thế, nhưng không một người nào chết trong lửa rơm cả vì sau