nói bậy, làm gì có nho giáo, Phật giáo trong bài ca đó, mình chỉ thấy sự mùi
mẫn ướt át của tình tự trai gái mà mình đang sử dụng để làm Mỹ Xuân cảm
động, nhận biết cái tâm ý say đắm của mình.” Rồi hắn bươn bả chạy theo
Mỹ Xuân đang xách cái giỏ trong để nhang đèn và bài vị của Bảy Long
trùm một mảnh lụa đỏ. Trên đoạn đường về nhà, hắn hát cho nàng nghe bài
Dạ Cổ Hoài Lang đồng thời hắn cải biên chút ít ví Bảy Long là phu tướng
trong lời ca: Từ là từ phu tướng bảo kiếm sắc phong lên đường/ vào ra
luống trông tin chàng/ Năm canh mơ màng/ Ôi gan vàng quặn đau …Lần
này Mỹ Xuân không khóc sướt mướt mà chỉ ngậm ngùi khiến hắn càng
thêm hy vọng vào mối tình mà hắn đã dành trọn cho Mỹ Xuân.
Một tháng sau, ngày bé Mạnh Cường tròn một tuổi, ngẫu nhiên rơi vào
ngày rằm tháng chạp. Nhà Mỹ Xuân làm một bữa tiệc nhỏ mừng thôi nôi
cho thằng bé. Buổi tối cả nhà có mặt trừ Mỹ Đông hai hôm trước cùng
Ngọc Thu đã lẻn vào cứ thăm chồng họ. Em trai kế của Mỹ Đông là Đức
Lai đã chèo ghe đưa họ qua sông lúc trời mờ sáng. Lúc xuống ghe bên bờ
kia làng chài, Ngọc Thu suýt rơi xuống nước, may nhờ Đức Lai ôm lại
được ngang eo, lưng nàng tựa vào ngực của anh ta trong lúc cô thẹn thùng
nói lời cám ơn người em trai của bạn. Cái giây phút ngắn ngủi ấy nơi hai
ánh mắt của họ giao nhau tưởng dài ra vô tận vì vẻ long lanh nhưng đờ dẫn
trong mắt Ngọc Thu đã bộc lộ cái nữ-tính-vĩnh-cửu trong lòng nàng: sẵn
sàng quyến rũ mê hoặc người tình để sau đó chính nàng lại thụ động hiến
dâng.
Giây phút phù du ấy đưa đẩy hai người vào một cảm giác tuy ngắn ngủi
nhưng miên man trường cửu, rồi sau đó để lại trong lòng Đức Lai một cảm
xúc lạ lùng khó tả. Thỉnh thoảng đêm đêm anh ta lấy từ trí nhớ ra nghiền
ngẫm như bò nhai lại nắm cỏ ăn được trong ngày. Nhai lại, nhưng lạ một
điều là không bao giờ nhai hết.
Đức Lai mặc dù mới học hết lớp đệ ngũ nhưng chịu khó đọc sách nhất là
truyện Tàu mà anh mượn ở nhà một ông giáo làng có cho thuê truyện, chỗ
nào không hiểu anh ta hỏi mấy lão già trong làng, hoặc khi có gánh hát bội
đến diễn tuồng anh ta cố mua vé đi xem rồi đối chiếu giữa tuồng tích với
sách truyện. Anh ta là một người hiếu học.