Những thùng nước cơm cặn lặc lè yên sau xe đạp. Cô giáo dạy văn mà tôi
thương nhất. Con bạn cùng lớp cạnh tranh vị trí nhất nhì. Vài chị là mối
mua gạo cám của tiệm má tôi. Những con người ấy làm tôi thắc mắc cái xứ
sở mà tôi gọi là nước Bắc không biết gần hay xa. Chắc xa, họ gọi chén bát
lung tung xèng, phở thì không rau giá, canh chua không nêm đường, cà đem
muối trong chum, bánh tét lại vuông. Chắc xa, năm bảy cái tết họ mới về
quê một lần.
Nhưng những cơn mưa dầm tháng Tám làm tôi thấy họ gần mình. Bởi
những cái thở dài không phân biệt tập quán và quê xứ. Dù họ lo lắng giông
bão phía quê nhà, tôi rầu đơn giản chỉ là nhìn mưa thấy rầu thôi, nhưng
chắc là cộng cảm theo kiểu ai ra mưa cũng ướt, ai ở dưới trời này cũng phải
chịu những cơn mưa rũ rượi. Cùng một nỗi buồn nhà dột, bán buôn ế ẩm,
cơn cảm cúm mũi dãi chảy sụt sùi.
Những cuộc đi mê miết đã làm nhòa những lạ lẫm của người Nam nhìn
kẻ Bắc. Cửa hàng bán đồ Bắc xuất hiện nhiều thêm trên nội ô thành phố.
Những tô phở gia truyền Hà Nội cũng rau giá đầy vun, bánh cuốn gia
truyền Hà Nội với nước chấm pha đường ngọt lịm. Tết, nhà họ cũng có nồi
thịt kho tàu. Lâu lâu trên đài địa phương có phát biểu của một ông giọng
miền ngoài mà bắt đầu bằng mấy chữ “thưa bà con”. Mấy em cộng tác viên
gốc Bắc viết truyện ngắn gửi tạp chí văn nghệ dùng phương ngữ miền Tây
ngọt sớt. Những thế hệ thứ hai, thứ ba đã dạ thay cho vâng. Anh thợ sửa xe
nói, từ khi không còn cha mẹ già ngoài ấy, thì loay hoay chỉ trung thu và tết
mới thấy nhớ quê, dợm muốn về. Miền Tây không có cái không khí lễ hội
của trăng rằm và dịp đầu năm. Nhưng từ ngày mất thằng nhỏ, cất bước đi
đâu cũng khó.
Anh bỏ sót mưa. Dải đất nằm nghiêng theo biển, nghe mưa dầm dề là
biết có áp thấp nhiệt đới gần bờ, không tạt vô Trung thì ra Bắc. Mùa mưa
phương Nam trùng với mùa bão lũ ngoài kia. Mưa buộc người lang bạt lại
với cái gốc rễ tưởng đã bứt lìa. Anh hỏi vợ ghi số điện thoại của thằng em ở
quyển sổ nào, quên mất.
Giữa cơn mưa gió ẩm ê, những cuộc gọi từ cuối đất phập phồng theo cơn
bão ở chân trời.