mông lung. Cá khô xỏ xâu phơi trên sào quần áo, những giẻ lau đủ màu sắc
giắt gần đó, phơ phất như đuổi chim trên ruộng. Những xô chậu, những lu
khạp, những cái võng treo xiên xẹo. Đằng lưng của chợ nhìn thân thiện với
người quê.
Nhưng cửa sau thì không phải chỗ bán mua, chợ phải là mặt chợ kìa.
Chỗ đó lộng lẫy và sáng loáng làm hai bà cháu trở nên nhỏ thó và lem luốc.
Dãy nhà lầu bên kia đường cao, đến nỗi bóng chúng ôm hết cái chợ chồm
hổm đến nửa buổi sáng thì mặt trời mới chạm vào đôi dép cũ của con nhỏ.
Nắng lên, đôi dép xấu xí hơn. Không gian tràn ngập thứ ánh sáng như nôn
nả dồn đuổi, như xua người ta về với ruộng vườn xanh bóng cây. Ở đây,
mọi thứ đều chói gắt. Cả tô hủ tiếu mà đứa trẻ chợ kia ngồi ăn cũng rực rỡ
lạ lùng. Con nhỏ cảm thấy mình dòm miệng đứa kia hơi lâu, tự mắc cỡ
ngoảnh đi chỗ khác.
Chợ trưa dần. Bà già vẫn còn chục ngoài ốp trầu trong cà vung. Vài chị
mang guốc lóc cóc lại, kêu thím ơi coi như chẵn chục đi, tôi mua hết. Con
nhỏ lạ lắm. Nó học lớp một trường làng, sự thật mười một không thể là
mười được, hai con số ấy khác nhau. Như hồi sáng ngoại nói nải chuối ba
trăm đồng, khách nài hai trăm rưỡi đi cho chẵn. Nhưng khách đã dợm bước
để chứng tỏ cái quyền tối thượng của mình: quyền đi chỗ khác, quyền
ngoảnh mặt, quyền được đúng. Bà già chịu thua.
Nhưng bà già không cay đắng, quạu quọ. Từ hồi bằng con nhỏ bà đã
theo người lớn đi chợ, đã được dạy rằng người quê không có quyền định giá
món hàng mình làm ra. Và giá của những rau những lúa không bao giờ
đứng yên, chúng chạy thót tim theo cơn nắng sáng, mưa chiều. Pin đèn
không vậy. Cây kim may tay cũng không vậy.
Con nhỏ rồi sẽ phân biệt được thôi, khoai mì và bột ngọt khác nhau
không chỉ vì chúng là khoai mì và bột ngọt. Chúng khác xuất thân. Giờ thì
bà già dẫn con nhỏ đi ăn hủ tiếu. Chị bán quán vét hết mấy thứ trên bàn thì
vừa tròn tô hủ tiếu, dù nước súp đáy nồi sắc mặn như kho. Bà già chỉ nhá
gói xôi và ngồi ngó cháu đang ăn ngon lành, tô hủ tiếu đầu đời của nó. Và
khi trả tiền nó nhận ra mình vừa ăn nửa cà vung trầu.
Đường xuống bến đậu xuồng xuyên thấu qua lòng một tiệm tạp hóa, bà