chỉ hoa là hoa, không một cái lá nào. Mẹ biến thành một người gắt gỏng,
quay quắt, vài hàng xóm choáng váng bảo nhau sao chưa già mà cổ đổi tánh
mau quá. Lòng mẹ chật căng những kỷ niệm xấu. Ở khúc đường nào mình
bị một thằng cha chạy ẩu quẹt xước móng chân, ở cái quán ăn nào mình bị
chặt chém ăn khúc cá thu giá ba trăm bảy chục ngàn, ở công viên nào mình
bị tụi bụi đời xin đểu, đoạn hẻm nào mình bị móc túi mất hết giấy tờ cùng
điện thoại, mẹ cố hằn từng rãnh trong đầu. Mùi xe rác ngang qua và những
lối đi trong chợ ngàn ngạt rau củ hư hoại, dưới hành lang một chung cư cũ
mục bị áo ướt rơi lên đầu, những người đàn bà xắn quần lên tới bẹn rống
lên những câu chửi bới tục tĩu.
Cộng thêm mùi mắm kho từ hàng xóm vẳng qua, tiếng những người đàn
ông say cãi cọ, một đám cưới gần nhà mở loa hết cỡ để ca boléro và vọng
cổ suốt đêm. Cái xứ sở này, nơi chốn thiệt là nhếch nhác, lang chạ, bất tiện
hết chỗ nói. Không có gì đáng để nhớ, cả thằng bồ dược sĩ, người ba năm
nay vẫn nhẫn nại và dịu dàng bất chấp cái tính đồng bóng của mẹ. Người
nửa đêm mang thuốc đến cho mẹ bớt đau đầu, người mang áo mưa tới khi
mẹ bị cơn mưa chẹt cứng ở chợ, người vẫn thường cắt móng tay mỗi khi mẹ
nhờ kỳ cọ lưng. “Sợ xước da em”, cái gã đàn ông chu đáo ấy một bữa cúi
đầu lí nhí nói anh xin lỗi khi mẹ cố trợn mắt gầm gừ, có phải anh đã ngó
nghiêng người đàn bà khác sau lưng tôi?
Thật ra thì mẹ chỉ gây chuyện để sau này đỡ nhớ thôi, giả bộ ghen bóng
gió, gán cho anh ta những thứ tì vết bâng quơ để khỏi da diết khi xa, nhưng
bồ hớt hải thú nhận ngay làm kết quả vượt ngoài mong đợi, làm hoàn hảo
cho cái chiến dịch vì quê hương xấu xí của mẹ.
Không còn phải lo mình sẽ bạc tóc vì nhớ, mẹ nghĩ vậy khi ngồi trên
chuyến bay đi Kansai. Mở một cái van vô hình nào đó để mọi thứ xấu xí,
nhếch nhác, bụi bặm nhất ùa ra đầy chật trong đầu mình, mẹ đẩy những
hình ảnh đẹp đẽ ra xa. Không có ai nói cho mẹ biết, đó cũng là mặt nạ khác
của nhớ. Và mẹ đang lặn ngụp chìm nghỉm trong cú sốc ly hương.