ĐONG TẤM LÒNG
B
à mẹ kể hồi xưa dì Chín nghèo nhứt gánh mình. Áng chừng còn ba
tháng nữa tới đám giỗ bên nhà ngoại, Chín đi mua chục vịt con về nuôi. Vịt
của Chín lớn lên không nhờ hột lúa nào (thứ đó dành cho bốn miệng người
trong nhà còn không đủ), dì nuôi chúng bằng cám trộn bèo, cuối chiều có
thêm mớ ốc bươu vàng tách vỏ bằm nhỏ. Đúng giỗ dì bắt cặp vịt xách về,
cúng ông ngoại cái món ông ưa nhứt hồi còn sống: vịt luộc chấm mắm
gừng. Có năm vịt còi vì ăn không đủ sức, lườn bén lẹm tóp khô. Có năm
gió độc làm cả bầy lăn ra chết hết, Chín đi câu cá lóc mang về cúng. Và
những gì Chín đem qua làm giỗ, ai cũng nâng niu cảm động. Con cá lóc với
cái măng tre ấy cũng có giá trị ngang bằng với con heo quay cậu Hai chở từ
ngoài chợ vô.
Với một gia đình đông con, tứ tán khắp nơi, đám giỗ ông ngoại là bữa
tiệc huy hoàng. Hình dung linh hồn ông ăn hết từng ấy món, chắc lặc lè bay
không nổi. Dọn mâm cúng đã thấy chóng mặt, ai cũng đem theo những thứ
ngon nhất trong vườn nhà mình. Biết Chín có măng tre đầu mùa, mẹ mua
giò heo, vậy là thành một món ngon. Không ai, kể cả Chín phải thấy tủi
thân vì đã cúng ông già bằng những thứ còm nhom rẻ rề. Chẳng ai so đo
chuyện nhiều ít, mà cũng không so đo được. Như Chín, làm sao tính được
công đi bắt ốc vớt bèo nụm nịu nuôi bầy vịt, công xa xót khi chuột cống
xông vào chuồng cắn cổ chết mấy con, công dầm mình đi cắm câu, đặt
trúm.
Bà mẹ nói hồi xưa đám giỗ vui, giàu nghèo đề huề không khoảng cách.
Ai đem gì về cúng cũng không quan trọng bằng đủ mặt. Đám giỗ giữa năm
nhưng ngay từ Tết đã hẹn nhau về. Diễn ra chỉ hai ngày, nhưng giỗ đã được