thường Hương Lan ca đã rầu, qua giọng Tám Lê thêm phần chới với. Như
cái sào cắm hụt chỗ nước sâu.
Con nít trong xóm trông ghe chị Tám Lê vì bánh kẹo, đồ chơi. Người
lớn trông chị bởi thịt tươi rau giòn. Trí nhớ tốt, chị biết nhà nào nết ăn ở ra
sao, gợi ý luôn hôm nay nên nấu món gì đổi bữa. Chiều chuộng giỏi, chị
hay làm khách hàng cảm động khi dúi cho thêm củ khoai, dây buộc tóc.
Buôn bán thẳng ngay, cá ươn thì chịu thiệt hôm qua ế ẩm, không lấp liếm
nhiều lời. Ghe hàng bông của Tám Lê lấy lòng hết thảy đàn bà xóm Rạch.
Những bữa khách kẹt tiền, chị cho thiếu chịu, “cứ để đó, thím có dọn nhà đi
đâu được mà con lo”. Mưa nắng không làm tắt miệng cười rờ rỡ. Chỉ mắt là
buồn, thằng con trai mới lớn một lần té vào đó chìm luôn, không thèm ngoi
lên nữa.
Chiếc ghe hàng bông quen thuộc biến mất, cư dân xóm Rạch nhận ra nó
cũng một phần của đời mình. Tám Lê đem tới nhiều hơn những món hàng
chị chất trên ghe. Mỗi sáng chị mang theo những câu chuyện của chân trời -
ngoài tỉnh hôm qua xảy ra vụ cháy chết người, bên cống Cả Giếng có con
nhỏ bị đánh ghen, axít cháy cả mặt mày, hồi tối đoàn hát về xã, đào Mỹ Lan
ăn một hơi bốn tô bún mắm, bụng bự vậy mới lấy được hơi dài.
Xóm Rạch thấy chân trời gần lại, sông nước không còn là thứ cản trở,
đời sống xó quê bớt đi tẻ nhạt. Không biết có phải vì những câu chuyện tươi
rói đó mà người ta hay nhớ Tám Lê, thường nhắc không biết giờ chị đang
trôi chợ ở miệt nào. Ngay cả khi mấy ghe hàng bông khác đã trờ tới lấp đầy
chỗ trống chị bỏ lại, hàng hóa của họ cũng tươi cũng thơm, cũng giòn
chuyện đầu đồng cuối bãi.
Phải mất nhiều thời gian kẻ bán người mua thông thuộc cảnh nhà nhau,
để nhắc “cá ngừ này thịt có phong, coi chừng thằng nhỏ nhà chị nổi mề
đay”, “bữa trước chị nói ông chồng thèm thịt trâu xào khổ qua, nay em
kiếm được thịt trâu tơ, rất mềm”, “sau này thím có bị chú đánh thì dấp nước
lạnh cho đỡ sưng, chớ đàn bà mà mặt mày bầm tím, nhìn xót”. Đâu chỉ ân
cần, dân xóm Rạch mấy lúc còn gặp phải ông già bán hàng bông hay nổi
khùng khi ai đó hỏi mua ớt, “đất mênh mông vậy, sao không trồng lấy mà
ăn?”.