MƯƠNG RỘNG HÀO SÂU
H
ồi đầu cũng không ai nghĩ tới chuyện làm một ranh giới giữa hai nhà.
Con mương được đào chỉ vì lúc lập vườn, người ta cần đất để lên liếp,
đắp bờ, trồng mấy thứ cây ăn trái lâu năm. Mùa gặt, lần xuồng theo đường
nước ấy chở lúa từ ngoài ruộng sau về sân phơi cũng tiện. Vậy là giữa hai
khu vườn hai nóc gia có một con mương rộng chừng hai, ba thước tây, chạy
dài đến hết đất.
Mương ranh.
Những thứ cây mọc hai bên bờ mương không quan tâm đó là biên giới,
tầng lá đan vào nhau. Gốc ổi sẻ vườn kia vẫn vô tư rụng trái chín vườn này.
Rau muống, cần nước mọc chen nhau, nhà nào muốn ăn nấy hái. Bầy gà cứ
bay qua bay lại, bạ đâu đẻ đó, gốc chuối đống rơm, không quan tâm chuyện
trứng nằm vườn nào mới phải. Giàn bầu, mướp vắt dây qua mương, trái
phía đâu cũng thơm phức nồi canh nấu với tép đất. Đoạn giữa mương bắc
cây tre hay thân so đũa cho tiện qua lại sẻ chia vài viên chè trôi nước, mượn
ít tỏi tiêu những ngày chưa thể đi chợ xa, mà khỏi phải vòng ra lộ cái. Vườn
dày cỏ tới cỡ nào, cũng có con đường mòn mà người hai nhà thường đi tắt
để qua lại với nhau.
Và đám con nít cũng tự do như ong và chim, không coi con mương là
thứ ngăn trở, bất tiện. Mùa khô, mương cạn lòng, không cần cầu tre, tụi nhỏ
chỉ phóng vèo đã qua vườn khác. Lúc bà mẹ kêu ới đứa trẻ vẫn còn lăn lóc
đất láng giềng, nhưng nó lên tiếng dạ thì đặt chân bờ liếp nhà mình. Vậy là
tránh được tội “suốt ngày xách đít đi chơi bên xóm”. Thằng nhỏ nhà này
cũng hay oằn nhánh bình bát cho con bé nhà kia hái trái chín đem dầm
đường.