Gần tết nước giựt lộ nửa vách mương, mùa đìa. Tụi nhỏ hai nhà rủ rê
nhau đắp chặn từng đoạn mương bắt cá. Lựa mấy con lóc, trê vàng lớn nhất
đốt lửa nướng trui cùng ăn bên bờ mương, mớ cá còn lại chia đều cho hai
căn bếp, bữa cơm cũng phải rủng rỉnh đến tận một tuần. Lá rụng vào
mương cứ mỗi năm mỗi dày, hai nhà thay phiên đào một vài lớp bùn nhão
bồi lên gốc dừa. Thứ đất tan chảy vào đâu, cây oằn nhánh sai trái ở đó.
Những con mương ranh cứ nằm thanh thản giữa bao nhiêu khu vườn
miền Hạ, với cá trong lòng và bèo trên mặt nước, với tiếng trái rụng sau cú
chao mình của lũ chim đêm, với những cuộc lại qua của con người bất chấp
đôi bờ xa hơn một tầm tay với. Mương luôn bị vượt qua một cách dễ dàng,
bằng cách người quăng kẻ bắt lấy những món bánh nhà quê thơm thảo, hay
cú đu nhánh cây để búng mình sang bờ gọn bân của trẻ con. Gặp buổi cùng
làm cỏ vườn, cuộc trò chuyện của người hai nhà không vì mương nước lạnh
mà thôi giòn giã. Nhất là khoảng tháng tư cuối hạn khi lòng mương cạn tới
đáy, cây mọc hoang dại hai bờ đã được đốn làm củi chụm, mương chỉ là
một hõm đất trũng đến gà con cũng có thể băng qua.
Lúc ấy ai mà biết được đến một ngày, cũng những đứa trẻ ngày xưa, ai
có gậy cầm gậy ai có dao cầm dao, máu vằn tia lên mắt, đứng hai bên bờ
lăm le xông vào nhau chỉ vì cái ranh đất đổ bằng bê tông không thẳng. Xê
dịch một tấc, nghĩa là được/mất một tấc vàng. Ông bà mình xưa giờ nói đâu
trúng phóc đó, đâu có giỡn chơi.
Tên người không đổi, vẫn là Tư Chèo Bẻo, Sáu Đực, Út Lớn, nhưng thời
gian và cuộc mưu sinh đã sắm cho đám trẻ xưa những gương mặt vằn vện,
gai góc. Con mương ranh lâu rồi không còn ai đào đất bồi liếp, giờ cạn chỉ
săm sắp nước vào mùa mưa. Mọi thứ phơi ra hết, nhưng khó mà tả được cái
rộng, sâu của làn nước lạnh lẽo trong tâm tính con người.
Con mương ranh mà người hai nhà từng cùng tắm táp sau buổi làm đồng
về, giờ họ cùng tắm hằn thù hung hiểm.