vào tình trạng không luật lệ, kéo dài tới tận năm trăm năm sau. Dân số giảm
mạnh, thương mại trì trệ, các thành phố co lại. Đất nước bị bọn rợ xâm lược:
bọn Goth và Vandal, Hung Nô và Viking. Giai đoạn đen tối đó được gọi là
thời kỳ Trung cổ Suy Thoái.
“Nhưng về thiên niên kỷ gần nhất – tôi muốn nói là năm 1000 Công
Nguyên, mọi chuyện đã bắt đầu trở nên tốt đẹp hơn.” Marek nói. “Một thể
chế mới được hình thành mà chúng ta gọi là chế độ phong kiến – dù ở thời
ấy thì người ta không dùng từ đó.”
Dưới chế độ phong kiến, những lãnh chúa hùng mạnh giúp duy trì trật
tự từng địa phương. Thể chế mới rất có hiệu quả. Nông nghiệp phát triển
mạnh. Thương nghiệp và các thành phố đua nhau nở rộ. Đến khoảng những
năm 1200 sau Công Nguyên, châu Âu lại phồn hoa trở lại, với dân số đông
hơn nhiều so với thời Đế chế La Mã.
“Vậy là năm 1200 đánh dấu mốc đầu tiên của thời kỳ Trung Cổ Thịnh
Vượng – thời đại của phát triển, khi văn hóa bắt đầu nảy nở.”
Những người Mỹ có thái độ đầy ngờ vực. “Nếu nó vĩ đại thế, sao ai
cũng xây thêm thành lũy phòng thủ làm gì?”
“Vì cuộc chiến một trăm năm,” Marek nói, “Pháp và Anh đánh nhau.”
“Gì thế, thánh chiến à?”
“Không,” Marek nói. “Tôn giáo chẳng liên quan gì ở đây hết. Hồi ấy tất
cả mọi người đều theo Công giáo.”
“Thật à? Thế mấy người Tin Lành thì sao?”
“Không có người theo đạo Tin Lành.”
“Thế họ ở đâu?”
Marek nói, “Lúc ấy họ vẫn chưa tự tạo ra bản thân mình.”
“Thật à? Thế cuộc chiến ấy là về cái gì vậy?”
“Chủ quyền,” Marek nói. “Nó liên quan đến thực tế rằng Anh sở hữu
một phần lớn đất của Pháp.”