xung quanh ở phía ngoài. Do đó, theo như cách nghĩ mới thì, vạn vật đều
được cấu tạo từ các hạt. Được chứ?”
“Được rồi…”
“Các hạt ở đây là những đơn vị rời rạc, gọi là lượng tử. Và lý thuyết mô
tả sự vận động của những hạt này được gọi là thuyết lượng tử. Một phát hiện
quan trọng của vật lý thế kỷ hai mươi.”
Tất cả đều gật đầu.
“Các nhà vật lý học tiếp tục nghiên cứu những hạt này, và bắt đầu nhận
ra rằng chúng là những thực thể rất kỳ lạ. Anh không thể biết chắc được
chúng ở đâu, anh không thể đo đạc chúng một cách chính xác được, và anh
càng không thể dự đoán được chúng sẽ làm gì. Thỉnh thoảng chúng hoạt
động như các hạt, thỉnh thoảng như sóng. Thỉnh thoảng hai hạt lại tương tác
với nhau dù chúng ở cách nhau tới hàng triệu dặm, và chẳng có mối liên hệ
nào giữa chúng hết. Và cứ thế cứ thế. Lý thuyết này bắt đầu có vẻ đã trở nên
kỳ cục.
Và giờ, có hai vấn đề xảy đến với lý thuyết lượng tử. Đầu tiên là nó đã
được thừa nhận, rất nhiều lần. Nó là lý thuyết được chứng minh nhiều nhất
trong lịch sử khoa học. Các máy quét ở siêu thị, laser và chip máy tính đều
dựa vào ứng dụng thuyết lượng tử. Thế nên chẳng có nghi ngờ gì rằng
thuyết lượng tử là cách mô tả toán học chính xác nhất về vũ trụ.
Nhưng vấn đề là, nó chỉ là một cách mô tả toán học mà thôi. Nó chỉ là
một tập hợp các phương trình. Và các nhà vật lý học không thể hình dung ra
cái thế giới được mô tả từ các phương trình kia – nó quá kỳ cục, quá mâu
thuẫn. Einstein là một minh chứng cụ thể, ông không hề thích chuyện đó.
Ông nghĩ rằng như thế có nghĩa là lý thuyết đó chưa hoàn hảo. Nhưng lý
thuyết lại cứ được thừa nhận liên tục, và mọi sự cứ càng ngày càng xấu đi.
Cuối cùng, thậm chí cả những nhà khoa học đã đoạt giải Nobel vì những
thành tựu cống hiến cho thuyết lượng tử cũng phải thừa nhận rằng họ chẳng
hiểu gì về nó hết.