Vào những lúc như thế này, Gordon lại hít một hơi thật sâu, tự nhắc mình
nhớ rằng Doniger không khác gì những chủ doanh nghiệp trẻ năng nổ khác.
Anh tự nhắc mình nhớ rằng phía sau vẻ mỉa mai ngạo nghễ kia, Doniger gần
như lúc nào cũng đúng. Và anh cũng nhắc mình nhớ rằng kiểu gì thì kiểu
Doniger cũng đã cư xử thế này cả đời rồi.
Robert Doniger đã có dấu hiệu thần đồng từ rất sớm, gã đọc sách kỹ
thuật từ hồi tiểu học. Lên chín tuổi, gã đã có thể sửa được bất cứ thứ đồ điện
nào – đài, ti vi – táy máy nghịch đèn chân không và dây nhợ cho tới khi gã
làm nó hoạt động thì thôi. Khi mẹ gã nói bà lo rằng gã có thể sẽ bị điện giật
thì câu trả lời là thế này, “Mẹ đừng có dở hơi đi.” Và khi người bà yêu dấu
của gã mất, Doniger mắt ráo hoảnh ra thông báo với mẹ rằng bà cụ vẫn còn
nợ gã hai mươi bảy đô la và mong mẹ mình sẽ giải quyết chuyện đó ổn thỏa.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa vật lý của Đại học Stanford lúc mười tám
tuổi, Doniger đã tới làm việc ở Phòng Thí nghiệm Máy Gia tốc Quốc gia
Fermi gần Chicago. Gã bỏ việc sau sáu tháng, nói với giám đốc phòng thí
nghiệm rằng “vật lý phân tử chỉ dành cho bọn ngu”. Gã quay lại Stanford,
làm việc trong một lĩnh vực mà bản thân cho rằng hứa hẹn hơn nhiều: vật lý
siêu dẫn.
Đây là lúc các nhà khoa học trên mọi lĩnh vực đồng loạt rời trường đại
học để lập công ty riêng nhằm khai thác tất cả những khám phá của mình.
Doniger rời đi sau một năm để thành lập TechGate, một công ty chế tạo các
bộ phận phục vụ kỹ thuật khắc trên con chip siêu chính xác mà gã đã tình cờ
phát minh được. Khi Stanford phản đối vì cho rằng gã đã phát minh ra
chúng khi đang làm việc tại phòng thí nghiệm của trường, Doniger nói,
“Nếu thấy có vấn đề thì đi kiện đi. Không thì ngậm mồm lại nhé.”
TechGate là nơi phong cách quản lý khắc nghiệt của Doniger trở nên
nổi tiếng. Trong những buổi họp với các nhà khoa học của mình, gã ngồi
một góc, ngả người rung ghế, bắn liên thanh những câu hỏi. “Thế này thì
sao? Sao ông không làm thế kia? Lý do làm thế này là gì?” Nếu câu trả lời