xã hội săn bắt-hái lượm cũng đủ thấy cuộc sống không có tiền tệ sẽ có
những bất lợi đáng kể.
Năm năm trước đây, các thành viên của bộ lạc Nukak-Makú bất ngờ đi
lang thang ra khỏi rừng mưa Amazon gần San Jose del Guaviare ở
Colombia. Người Nukak là một bộ lạc bị thời gian lãng quên, bị tách rời
khỏi phần còn lại của nhân loại cho tới khi họ xuất hiện đột ngột lần đó. Họ
sinh sống hoàn toàn dựa vào những con khỉ săn được và những trái cây
lượm được mà không có khái niệm gì về tiền. Họ cũng không có cả khái
niệm về tương lai. Ngày nay, họ sống ở một khoảng rừng thưa gần thành
phố, nhờ vào trợ cấp của chính quyền. Khi được hỏi họ có nhớ rừng không,
họ cười. Sau nhiều đời lê bước cả ngày tìm kiếm cái ăn, họ ngạc nhiên khi
giờ đây có những người hoàn toàn xa lạ cung cấp cho họ tất cả những gì họ
cần và không đòi hỏi thứ gì từ họ cả.
Cuộc sống của một người săn bắt-hái lượm thực sự "đơn độc, nghèo khổ,
dơ dáy, thô lỗ và ngắn ngủi", giống như mô tả của Thomas Hobbes về thế
giới tự nhiên. Tất nhiên là ở một số khía cạnh nhất định, lang thang trong
rừng giết khỉ có thể dễ chịu hơn là lao động vất vả trong một nền nông
nghiệp tự cấp tự túc. Nhưng các nhà nhân chủng học đã chỉ ra rằng, các bộ
lạc săn bắt-hái lượm còn sống sót đến thời hiện đại thường không hiền hòa
như người Nukak. Chẳng hạn, với người Jivaro ở Ecuador, gần 60% cái
chết của đàn ông là do bạo lực. Con số này với người Yanomamo ở Brazil
là gần 40%. Khi hai nhóm người nguyên thủy tình cờ gặp nhau, có nhiều
khả năng họ sẽ đánh nhau để tranh giành nguồn lực khan hiếm (lương thực
và phụ nữ có khả năng sinh đẻ) hơn là trao đổi thương mại với nhau. Những
người săn bắt-hái lượm không buôn bán. Họ cướp đoạt. Họ cũng không để
dành mà tiêu thụ thức ăn ngay khi họ tìm thấy chúng. Do đó, họ không cần
tới tiền.
Núi tiền