và quy định mới có thể khiến những tính trạng tốt đột nhiên trở thành bất
lợi. Chẳng hạn, sự đi lên và đi xuống của cuộc khủng hoảng Tiết kiệm và
Cho vay phần lớn là do những thay đổi trong môi trường điều tiết ở Mỹ.
Các thay đổi điều tiết vào sau cuộc khủng hoảng năm 2007 có lẽ có những
hậu quả không lường trước tương tự như vậy.
Mục đích được đề ra của hầu hết các nhà điều tiết là giữ gìn sự ổn định
trong khu vực dịch vụ tài chính, qua đó bảo vệ các khách hàng mà các ngân
hàng phục vụ, và nền kinh tế "thực" mà nền công nghiệp hỗ trợ. Các công
ty ở những ngành không thuộc tài chính được coi là kém quan trọng hơn,
xét trên toàn hệ thống, đối với nền kinh tế nói chung, và đối với cuộc sống
của người tiêu dùng. Do đó việc một tổ chức tài chính lớn sụp đổ, khiến các
khách hàng cá nhân mất hết tiền gửi của mình là một sự kiện mà bất cứ nhà
điều tiết (và chính trị gia) nào cũng muốn tránh bằng mọi giá. Một câu hỏi
cũ lại được đặt ra từ tháng 8/2007 là tầm cỡ mối nguy đạo đức đến từ các
bảo đảm ngầm sẽ cứu trợ các ngân hàng, khuyến khích họ chấp nhận rủi ro
quá mức vì cho rằng chính quyền sẽ can thiệp để ngăn chặn việc mất tính
thanh khoản hoặc thậm chí là không trả nợ được nếu một tổ chức được coi
là lớn tới mức không được phép để cho phá sản - tức là nó quá nhạy cảm về
mặt chính trị, hoặc nó rất có thể sẽ kéo theo nhiều công ty khác. Từ góc
nhìn tiến hóa thì vấn đề lại hơi khác. Có lẽ tốt nhất không nên xếp tổ chức
nào vào loại "lớn tới mức không được phép để cho phá sản" vì nếu không
có những lúc phá hủy sáng tạo thì quá trình tiến hóa sẽ bị ngăn cản. Kinh
nghiệm của Nhật Bản những năm 1990 là lời cảnh báo đối với những người
lập pháp và nhà điều tiết, rằng toàn bộ khu vực ngân hàng có thể trở thành
một thứ tác động về kinh tế nặng nề nếu các tổ chức vẫn được đỡ đần cho
dù chúng hoạt động kém, và những món nợ xấu không bị gạch bỏ.
Mỗi cú chấn động lên hệ thống tài chính ắt sẽ có thương vong. Nếu để
yên thì chọn lọc tự nhiên sẽ nhanh chóng làm việc và loại bỏ những tổ chức
yếu nhất trên thị trường, chúng thường bị những tổ chức thành công nuốt
chửng. Nhưng hầu hết các cuộc khủng hoảng lại đem đến những luật lệ và
quy định mới, vì các nhà lập pháp và nhà điều tiết vội giúp ổn định hóa hệ
thống tài chính và bảo vệ người tiêu dùng/người bỏ phiếu. Điểm cốt yếu ở