- Ồ, đúng chứ, một nhà nông học vĩ đại, - ông cố đạo rửa tội nói thêm -
Về những vấn đề trong nông học, tôi không được biết những tác phẩm quá
mới mẻ. Song đối với tôi khoa học này được cô đúc trong một cuốn sách
mà tôi gọi là “Kinh đồng quê” và trong “những công việc điền dã”
của
một nhà thơ latinh bất tử. Thật là tuyệt diệu. Từ lời châm ngôn bất hủ Nec
cero terrae ferre omnes omnia possunt, nghĩa là không phải tất cả mọi loại
đất đều tốt đối với tất cả mọi loài cây, thưa cậu Hôxê, cho đến những công
việc nhỏ nhoi của loài ong. Nhà thi hào giải thích về tổ chức của những con
vật bé nhỏ thông minh ấy, và nêu rõ đặc tính của con ong đực bằng những
câu thơ như sau:
Illes borridus alter
desidea, laclante trabens inglorius alvum.
Nghĩa là bộ dạng ghê tởm, chậm chạp, lười biếng kéo lê cái bụng hèn hạ
to kềnh, thưa cậu Hôxê...
- Câu thơ ngài dịch cho tôi nghe thật là hay - Pêpê nói - bởi vì tôi biết rất
ít tiếng Latinh.
- Ồ, người thời nay học làm quái gì những thứ cổ lỗ ấy - Lão cố đạo nói
thêm, với vẻ hài hước - Vả lại người viết bằng tiếng Latinh chỉ là bọn quần
cộc hạ tiện, chẳng hạn như Virhiliô, Xixêrôn
và Titô Liviô
... Nhưng mà
tôi thì khác cậu, có cháu tôi đây làm chứng, tôi đã dạy nó ngôn ngữ cao quý
ấy. Thằng láu cá, lười nhác này còn biết nhiều hơn tôi. Khổ một nỗi là khi
đọc các sách báo hiện đại thì nó quên dần những gì nó đã học được trước
kia. Rồi một ngày nào đó nó sẽ tự thấy nó là một thằng ngu dốt, không còn
nghi ngờ gì nữa. Bởi vì, thưa cậu Hôxê, người ta đã cho thằng cháu tôi tiêu
khiển bằng việc đọc những sách tân kỳ với những lý thuyết quái đản… Tất
cả là Flammariôn
. Chẳng có gì khác ngoài các vì sao đầy những người là
người. Nào, tôi nghĩ hai người có thể hiểu nhau đấy. Haxintô, cháu hãy nhờ
cậu đây giảng dạy cho cháu khoa toán tuyệt vời, và chỉ bảo cho cháu học
những gì liên quan đến các triết gia Đức, và như thế cháu sẽ trở thành một
con người thực thụ đấy.