thúc với chứng đau nửa đầu của bà, và giờ đây, khi bị cô nàng quá
khẳng kheo người Pháp kia ngăn cản, ông ta đột nhiên lại nhớ đến
vợ mình.
“Vợ tôi,” ông ta nói với cô gái Pháp trong khi cho cô này thấy ông
ta đang cất thuốc lá trở lại trong bao, “cũng không thích tôi hút
thuốc.”
“Không nói tiếng Anh,” cô gái Pháp nói.
“Cô,” ông ta nhất quyết, “bằng tuổi con gái tôi thôi. Cô nên ăn
nhiều hơn. Thế này không có lợi cho sức khỏe đâu.”
“Không nói tiếng Anh,” cô gái Pháp nhắc lại, nhưng đôi vai
thõng xuống đã phản bội cô ta, cô gái hiểu rõ từng từ.
“Con gái tôi sống ở Marseille,” ông ta nói tiếp. “Nó kết hôn với
một bác sĩ, một bác sĩ nhãn khoa, cô ạ,” và chỉ vào một bên đôi mắt
xanh lục của cô gái, lúc đó đang chớp chớp vì sợ.
Thậm chí cà phê phục vụ trên tàu cũng ở một đẳng cấp cao hơn
ba lần bất cứ thứ gì bạn có thể tìm thấy ở Haifa. Vâng, đúng vậy,
khi nói đến khẩu vị, đám người Pháp mắc dịch đó bỏ xa tất cả
những người khác. Sau một tuần ở Marseille, ông ta không còn cài
được khuy quần nữa. Zahava đã muốn ông ta ở lại lâu hơn. “Bố vội
vã đi đâu vậy?” con bé hỏi. “Giờ mẹ đã mất rồi, còn bố đã nghỉ
hưu, bố chỉ có một mình.” “Một mình” và “nghỉ hưu”, có gì đó thật
phóng khoáng về hai cụm từ này khiến cho khi con gái ông ta nói ra
chúng, ông ta có thể cảm thấy gió táp lên mặt mình. Nói cho cùng,
ông ta chưa bao giờ thực sự thích làm việc tại cửa hàng, và Bertha,
phải, ông ta đúng là từng có tình cảm với vợ mình, song cũng như cái
tủ quần áo bằng gỗ trong phòng ngủ chật chội của họ, bà đã chiếm
mất nhiều không gian tới mức chẳng còn lại chỗ cho bất cứ cái gì
bên cạnh bà. Điều đầu tiên ông ta làm sau khi bà qua đời là gọi