nó vội. Thế là thay vì nói chuyện, anh ta vỗ về con chó tật nguyền
của Igor. Đó là một con chó ngoan, và nó có vẻ hạnh phúc được gặp
Robbie, lúc này đang thầm ước lời nói dối của mình chứa đựng ít
đau đớn và khổ sở hơn.
“Cái máy bán kẹo cao su đó,” anh ta hỏi Igor sau vài phút trôi qua.
“Nó nhận loại tiền xu nào nhỉ?”
“Lira,” ông già nói.
Robbie nói, “Vừa mới rồi ở đằng đó có một thằng nhóc. Nó lấy
mất ví của tôi rồi. Nhưng dù nó không lấy thì trong đó cũng chẳng
có đồng lira nào.”
“Thằng nhóc khuyết một cái răng phải không?” Igor hỏi.
“Thằng ranh cặn bã đó, ai nó cũng ăn cắp. Nó thậm chí còn ăn cả
đồ khô dành cho chó nữa. Ở chỗ tôi, ở Nga ấy, người ta sẽ túm gọn
một thằng nhóc như nó rồi ném ra ngoài trời tuyết với độc đồ lót
trên người, tới khi người nó tím ngắt, họ mới cho nó vào lại trong
nhà.” Bằng một cái móc của mình, ông lão chỉ vào túi quần sau. “Ở
đây tôi có vài đồng lira. Tự lấy đi. Coi như tôi trả.”
Robbie do dự, nhưng vẫn lấy một đồng lira từ trong túi quần
ông lão ra, và sau khi cảm ơn ông già, anh ta đề nghị tặng ông cái
đồng hồ đeo tay Swatch của mình để đổi lại.
“Cảm ơn,” ông lão gật đầu. “Nhưng tôi sẽ làm gì với một cái
đồng hồ nhựa đây? Hơn nữa, tôi chẳng phải vội đi đâu cả.”
Khi thấy Robbie loay hoay tìm thứ gì khác để đưa cho mình, ông
lão chặn anh ta lại và nói. “Dù sao tôi cũng nợ cậu. Nếu cậu không
bịa ra chuyện nói dối về con chó, giờ tôi đã phải cô đơn lắm lắm.
Thế nên giờ chúng ta hòa.”