Anh ta không quay trở lại chỗ cái hốc, nhưng điều gì đó ở nơi
ấy ám ảnh anh ta. Thoạt đầu, Robbie tiếp tục nói dối, nhưng là
những kiểu chuyện bịa trong đó không ai đánh ai, không ai bị què
chân hay chết vì ung thư. Chẳng hạn: anh ta đi làm trễ vì phải tưới
cây cho bà cô trong khi bà đi thăm cậu con trai thành đạt ở Nhật Bản.
Hay: anh ta đến trễ một buổi tặng quà cho một bà mẹ tương lai vì
một con mèo vừa đẻ trước cửa nhà anh ta và Robbie đành phải chăm
lo cho lứa mèo con. Những chuyện kiểu đó.
Nhưng bịa ra chỉ toàn những lời nói dối tích cực là chuyện khó
khăn hơn nhiều. Chí ít là trong trường hợp ta muốn chúng nghe
đáng tin. Nói chung, nếu ta kể cho người khác điều gì đó tồi tệ, họ
sẽ không thắc mắc gì, vì với họ đấy là chuyện bình thường. Nhưng
khi bạn kể ra những chuyện tốt lành, họ liền nghi ngờ. Và thế là
dần dần Robbie nhận ra anh ta cạn vốn bịa. Chủ yếu là do lười
nhác. Và theo thời gian, anh ta ngày càng nghĩ về nơi đó ít hơn. Về
cái hốc. Cho tới buổi sáng anh ta nghe lỏm Natasha ở phòng Kế
toán nói chuyện với sếp của cô nàng. Ông bác Igor của cô này mới bị
một cơn đau tim và cô cần nghỉ một thời gian. Ông bác tội nghiệp –
một người góa vợ, vốn đã mất cả hai cánh tay trong một tai nạn ở
Nga. Và bây giờ đến lượt quả tim của ông. Ông rất cô độc, không
người giúp đỡ.
Ông trưởng phòng Kế toán cho cô nhân viên nghỉ phép ngay lập
tức, không hỏi câu nào. Cô này quay về phòng làm việc của mình,
lấy túi và rời tòa nhà. Robbie đi theo Natasha tới tận xe cô nàng. Khi
cô này dừng lại để lấy chìa khóa từ trong túi ra, anh ta cũng dừng lại.
Cô gái quay lại. “Anh làm bên Thu mua đúng không?” cô ta hỏi. “Có
phải anh là trợ lý của Zaguri không?”
“Phải,” Robbie gật đầu nói. “Tên tôi là Robbie.”