Thật may là đã đến kỳ Ramadan
và ở Tehran trở nên yên ổn hơn. Tôi tìm
thấy bến xe buýt và đi mua vé đến Shiraz, từ đó đến Persepolis rất gần. Tôi
có được tấm vé không khó khăn gì, mặc dù sau đó hóa ra xe buýt đầy chật
người. Đó là một chiếc xe Mercedes có điều hòa nhiệt độ sang trọng, lướt
êm ái trên con đường tuyệt hảo. Trên đường, những dải đất lớn của các sa
mạc sỏi đá màu nâu sẫm trôi qua, đôi khi là những làng nhỏ nghèo nàn,
vách đất, không một bóng cây, những đám trẻ đang chơi đùa, những đàn dê
và cừu.
Ở các trạm dừng luôn luôn chỉ mua được một thứ - đĩa bột kiều mạch, xâu
thịt cừu xiên nướng nóng và một cốc nước, còn để tráng miệng là một chén
trà. Tôi chuyện trò khó khăn vì không biết tiếng Ba Tư, nhung không khí
khá dễ chịu, những người đàn ông thân thiện, tươi cười. Phụ nữ, ngược lại,
luôn quay nhìn sang hướng khác. Tôi đã biết là không được nhìn họ, nhưng
khi ở giữa toàn các phụ nữ Iran ấy lâu hơn một chút, đôi lúc ai đó trong số
họ sửa lại mạng che mặt ta có thể thấy ló ra sau nó một thoáng con mắt màu
đen bất biến, to, long lanh, được viền bằng hàng mi dài.
***
Trên xe tôi có chỗ ngồi cạnh cửa sổ, nhưng sau vài giờ đồng hồ cảnh vật
vẫn luôn chỉ có thế, tôi lôi Herodotus từ trong túi ra và đọc về người
Scythia:
“Họ có tập quán thế này: khi một người Scythia hạ gục đối thủ, anh ta
uống máu hắn, còn đầu của tất cả những người bị giết trong trận chiến thì
anh ta đem nộp vua; bởi vì nếu mang đầu đến, anh ta sẽ có phần trong số
chiến lợi phẩm đoạt được, trong trường hợp ngược lại anh ta sẽ không
nhận được gì. Anh ta lột da bằng cách sau: khía da xung quanh tai, sau đó
nắm lấy hai tai và lắc cái đầu; tiếp theo cứa thịt đứt khỏi da bằng xương
sườn bò và thuộc nó trên tay; khi đã mềm, anh ta dùng nó như một chiếc
khăn, treo nó lên cương con ngựa mà anh ta cưỡi và lấy làm tự hào về điều
đó. Vì ai có nhiều những chiêc khăn như vậy nhất, người đó được coi là quả
cảm nhất. Nhiều người cũng làm áo choàng từ da lột để mặc, họ may chúng