***
Có thể đi mãi không chán quanh Persepolis. vắng vẻ và yên tĩnh. Không có
các hướng dẫn viên, bảo vệ, những người buôn bán, những kẻ chào mời.
Jafar ở lại bên dưới, một mình tôi giữa nghĩa trang bằng đá mênh mông.
Những tảng đá được tạo hình thành cột và trụ, điêu khắc thành cổng và
tranh tượng. Không một tảng đá nào ở đây có hình dáng tự nhiên, không
tảng đá nào còn giống như khi nó ở trong lòng đất hay nằm trên núi. Tất cả
đều được xẻ đẽo, lắp ghép và chạm trổ một cách tỉ mỉ. Bao nhiêu năm tháng
lao động kiên trì dồn vào đó, biết bao vất vả và cực nhọc của hàng nghìn
hàng nghìn con người. Bao nhiêu người trong số họ đã chết khi nâng những
tảng đá khổng lồ này? Bao nhiêu người đã ngã gục vì khát và kiệt sức?
Mỗi khi nhìn những đền đài, cung điện, thành phố đã chết, người ta luôn đặt
câu hỏi về số phận những người xây nên nó. về sự đau đớn của họ, về cột
sống bị gãy, mắt bị móc ra vì những mảnh đá bắn văng, về bệnh khớp của
họ. về cuộc đời bất hạnh của họ. Đau khổ của họ. Và khi ấy nảy sinh câu
hỏi tiếp theo: các kỳ quan này có thể hình thành nếu thiếu những đau khổ ấy
không? Thiếu ngọn roi của đốc công? Thiếu nỗi khiếp sợ của người nô lệ?
Thiếu lòng kiêu căng ngạo mạn của quân vương? Tóm lại, phải chăng
những tiêu cực và xấu xa của con người đã tạo ra các công trình nghệ thuật
vĩ đại thời xưa? Nhưng đồng thời, phải chăng tạo nên nó là niềm tin rằng
chỉ có cái đẹp, sự nỗ lực và ý chí sáng tạo cái đẹp mới chiến thắng những
xấu xa và kém cỏi của con người? Và rằng điều duy nhất không bao giờ
thay đổi là cái đẹp và nhu cầu về nó ở trong ta?
Tôi đi qua cổng lớn, qua Điện Trăm Trụ, qua Cung Darius, Hậu Cung của
Xerxes, Kho Bạc Lớn. Trời nóng khủng khiếp và tôi không còn sức để thăm
Cung Artaxerxes, Phòng Họp, hay hàng chục công trình và di tích khác tạo
nên thành phố của những vị vua đã chết và các thánh thần bị lãng quên này.
Tôi đi xuống qua những bậc thang vĩ đại, ngang qua đoàn chư hầu nổi lên
từ tranh đá, đang đi tới đức vua để bày tỏ lòng thần phục.
Tôi cùng Jafar quay về Shiraz.