hóa châu Âu có gốc rễ của mình ở lục địa này. Đối với Cheih Anta Diop,
người soạn bộ từ điển đồ sộ so sánh ngôn ngữ Ai Cập và Wolof, Herodotus
là một chuyên gia lớn, người đã chỉ ra trong tác phẩm của mình rằng nhiều
yếu tố của văn hóa Hy Lạp được lấy và đồng hóa từ Ai Cập và Libya, hay
nói cách khác, rằng văn hóa châu Âu, nhất là phần Địa Trung Hải, có nguồn
gốc châu Phi.
Luận điểm của Anta Diop trùng khớp với phong trào Négritude nổi tiếng,
phát triển ở Paris từ cuối những năm 1930. Các tác giả của phong trào là hai
nhà thơ trẻ thời ấy - Leopold Senghor người Senegal và Aimé Cesaire, hậu
duệ của những người nô lệ châu Phi xuất thân từ Martinique. Trong thơ và
các tuyên ngôn, họ truyền bá niềm tự hào chủng tộc của mình, chủng tộc bị
người da trắng làm nhục hàng thế kỷ nay, niềm tự hào là người da đen, ca
ngợi những thành quả và giá trị mà người da đen đóng góp cho văn hóa thế
giới.
***
Tất cả những điều đó diễn ra vào giữa thế kỷ hai mươi, trong thời kỳ bừng
tỉnh ý thức ngoài châu Âu, khi người châu Phi và những người được gọi là
Thế giới Thứ ba nói chung đang tìm kiếm bản sắc riêng của mình. Với cư
dân châu Phi, đó là mong muốn rũ bỏ mặc cảm nô lệ. Cả luận điểm của
Anta Diop lẫn thuyết Négritude của Senghor và Césaire đều khiến cho
người châu Âu nhận thức được - điều thể hiện trong các tác phẩm của
Sartre, Camus hay Davidson - rằng hành tinh của chúng ta, từ trước đến nay
bị châu Âu thống trị, đang trở thành một thế giới mới đa văn hóa ở trong đó
các cộng đồng và nền văn hóa ngoài châu Âu mong muốn giành được vị trí
tương xứng và đáng được tôn trọng trong gia đình loài người.
Trong bối cảnh này nảy sinh vấn đề về mối tương quan khác đối với Người
Khác. Bởi vì từ trước đến nay, ta luôn cân nhắc quan hệ Tôi-Ngưòi Khác,
nhưng là Người Khác của cùng một nền văn hóa với ta. Giờ đây, nảy sinh
vấn đề Tôi-Người Khác, mà Người Khác này lại đến từ nền văn hóa khác,
được nó tạo thành, có những phong tục và giá trị riêng.