Năm 1960 Senegal giành độc lập. Nhà thơ được nhắc đến ở trên, khách
quen của các câu lạc bộ và quán cà phê Quận La tinh ở Paris - Leopold
Senghor - trở thành tổng thống. Những gì hàng năm trời nay là học thuyết,
dự định, ước mơ của ông và những người bạn ở châu Âu, Caribbean, Bắc
và Nam Mỹ - ước mơ trở về gốc rễ tượng trưng, về cội nguồn đã mất, về
khởi nguồn thê giới của họ, nơi mà từ đó họ đã bị những kẻ buôn bán nô lệ
bứt ra một cách tàn bạo và hàng thế hệ bị ném vào một hiện thực xa lạ, ô
nhục và thù địch - giờ đây, lần đầu tiên, có thể mang hình hài của những
hành động thực tế, những dự án đầy tham vọng, những sự thực thi táo bạo
và sâu rộng.
Ngay từ những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Senghor
đã bắt đầu chuẩn bị cho liên hoan nghệ thuật da đen quốc tế đầu tiên
(Premier Festival Mondial des Arts Nègres). Chính xác là như vậy - vì ở
đây mục đích là nghệ thuật của tất cả người da đen, không chỉ của người
châu Phi, để phô bày cái vĩ đại, to lớn của nó, sự phổ biến, sinh động và
phong phú của nó. Châu Phi là nguồn gốc của nó, nhưng phạm vi của nó là
toàn cầu.
Senghor khai mạc liên hoan này vào năm 1963 ở Dakar. Nó sẽ kéo dài vài
tháng. Vì không đến kịp lễ khai mạc và tất cả các khách sạn trong thành phố
đã kín chỗ, tôi tìm được một phòng trên đảo, ở pension de famille của
Mariem và Abdou, những người Senegal đến từ Peul, có thể là hậu duệ của
một nông dân Ai Cập nào đấy, mà thậm chí - biết đâu đấy của một Pharaon.
Buổi sáng, Mariem đặt trước mặt tôi miếng đu đủ tươi ngon, cốc cà phê
ngọt sắc, nửa cái bánh mì baguette và lọ mứt. Mặc dù ưa im lặng, phong tục
bắt cô phải đưa ra một loạt câu hỏi thường lệ buổi sáng: Tôi ngủ thế nào, có
ngon không, có nóng quá không, tôi có bị muỗi đốt không, tôi có nằm mơ
không? – Thế nếu tôi không mơ thấy gì thì sao? - tôi hỏi. - Không thể như
thế được - Mariem nói. Cô luôn luôn nằm mơ. Cô mơ thấy các con, những
cuộc vui chơi, thấy mình về thăm bố mẹ ở quê. Những giấc mơ rất dễ chịu
và tốt lành.