nhạy cảm với màu sắc phải chóng mặt, nó mê hoặc và làm ngây ngất,
nhưng sau đó thì làm anh ta mệt mỏi và tê liệt.
Không xa nhà nghỉ-khách sạn của tôi, giữa các tảng đá chắn sóng lớn và
cây cối rậm rạp, có thể nhìn thấy những mảnh tường vôi còn sót lại đã bị
thời gian và muối biển tàn phá. Những bức tường này và cả hòn đảo Gorée
mang đầy tai tiếng ô nhục và tội ác. Suốt hai trăm năm, mà có lẽ còn lâu
hơn, đảo là nhà tù, trại tập trung và là cảng bốc nô lệ châu Phi sang bán cầu
bên kia - đến Bắc, Nam Mỹ và Caribbean. Theo các số liệu khác nhau,
trong thời gian ấy vài triệu, mười mấy triệu, thậm chí là hai mươi triệu
thanh niên nam nữ đã bị chuyển đi từ Gorée. Đối với thời ấy đây là một con
số kinh hoàng! Những cuộc bắt cóc và trục xuất người hàng loạt này đã làm
sụt giảm dân số châu Phi.
Châu Phi trở nên hoang vắng, bụi rậm và cỏ dại mọc tràn.
Suốt nhiều năm những dòng người từ nội địa châu Phi không ngừng bị lùa
ra nơi ngày nay là Dakar, từ đó họ bị chở bằng thuyền ra đảo. Một phần
chết ngay ở đây, khi đang chờ tàu chở họ vượt Đại Tây Dương, vì đói khát
và bệnh tật. Người chết bị quẳng ngay xuống biển. Ở đó cá mập xé xác họ.
Khu vực quanh đảo Gorée là bãi thức ăn lớn của chúng. Hàng đàn những
con thú ăn thịt lượn lờ quanh đảo. Cố gắng trốn chạy là vô ích - lũ cá chầu
chực những kẻ liều lĩnh ấy, canh gác họ cũng không kém phần cẩn mật như
các lính gác da trắng. Trong số những người bị chở đi bằng tàu, theo số liệu
của các nhà sử học, một nửa đã chết dọc đường. Từ Gorée đến New York
bằng đường biển là hơn sáu nghìn ki lô mét. Chỉ có những người khỏe
mạnh nhất mới chịu đựng được khoảng cách này và các điều kiện khủng
khiếp của chuyên đi.
***
Chúng ta có bao giờ suy nghĩ rằng sự thịnh vượng của thế giới từ thời xa
xưa đã được xây dựng bởi những người nô lệ? Từ những hệ thống tưới
nước của Lưỡng Hà, những tường thành Trung Hoa, kim tự tháp Ai Cập, vệ
thành Athens, qua các đồn điền mía ở Cuba, đồn điền bông ở Louisiana và