cũng thoát được khỏi công việc chán ngắt ở văn phòng”, hoặc là “Nghĩ thử
xem ở trại hồi sức sẽ có bao nhiêu cô gái phục vụ chúng ta nhỉ?”
Lần lượt từng người một được bác sĩ xướng tên lên theo kiểu: “Tiếp
theo, Ben Smith”, và sau đó họ dẫn người ấy vào phòng khám. Tôi quan sát
thấy một trong những bác sỹ là một cô gái châu Á. Và tôi chỉ biết thầm ước
được cô gái ấy xướng tên mình mà thôi.
“Tiếp theo: Michael de Kretser!”
Tôi chậm chạp đứng dậy, bước lề mề đến trước phòng khám và khép cửa
lại. Chính cô gái ấy đang ngồi sau chiếc bàn, mỉm cười thật tươi với tôi!
“Sao cô lại cười? Tôi nhìn tệ vậy sao?”, tôi hỏi.
“Không phải. Chẳng qua là tôi liếc ngang người anh và thấy có một con
tem bự ghi rõ ràng “người yêu hoà bình” mà thôi.”
“Sao cô đoán đúng được vậy? Tôi ghét chiến tranh và tôi không ủng hộ
bất kỳ cuộc chiến nào!”
“Tôi cũng vậy thôi. Chiến tranh là sai trái.”
“Cho tôi mạn phép hỏi: Cô đến từ đâu?”
“Malaysia, ở đây tôi chỉ là thực tập sinh thôi.”
Khi câu chuyện đã trở nên thân mật hơn, tôi cảm thấy như mình vừa nhìn
thấy ánh sáng loé lên nơi cuối đường hầm, bèn buột miệng nói ngay:
“Nếu cô ghi nhận rằng tôi không đủ sức khoẻ, tôi sẽ mời cô đi ăn tối.
Thật đấy!”
Cô ấy mỉm cười và chuyển mọi thứ trở lại chủ đề chính là khám sức
khoẻ. Nhưng với câu hỏi đầu tiên, tôi đã hiểu ngay ý định của cô.
“Anh có bị đau đầu không?”
“Thỉnh thoảng vẫn có. Do say rượu là nhiều.” Tôi dí dỏm đáp lại.
“Chịu chứng đau nửa đầu.” Cô ấy ghi vào trong sổ.
“Còn vai thì sao? Có bị đau không?”
“Có ! Nhất là khi tôi chơi tennis nhiều quá.”