nhẹ nhàng, lại đơn giản!”
Ngồi suốt ngày trên mái nhà đồng nghĩa với việc để luồng nhiệt cả trăm
độ C thâm nhập vào người mình, lại còn khủng khiếp hơn khi theo quy
định, những người công nhân trong nhà máy không được phép đi giày. Ấy
vậy mà buổi sáng kế đó, người công nhân nói trên vẫn can đảm chấp nhận
công việc kỳ cục ấy thật. Aubrey cũng không vừa, anh ta cố tình đi lại
thường xuyên qua các khu của nhà máy, để cho người công nhân kia vẫy
tay chào liên tục. Mái nhà ngày càng nóng lên. Người công nhân bắt đầu
nhảy lò cò từ chân nọ sang chân kia. Cuối cùng, anh ta không chịu được
nữa. “Sếp ơi, làm ơn cho em làm việc cũ đi!” Lời nài nỉ của anh ta nghe
thật đáng thương.
Rắc rối được giải quyết. Tất cả cũng nhờ tài quản lý khủng hoảng của
anh bạn tôi mà thôi.
Điểm đến tiếp theo là Bombay (bây giờ đã được đổi tên thành Mumbai).
Chuyến đi đầu tiên của tôi ở mảnh đất Ấn Độ này không được như mong
muốn. Tôi đã bị mất toàn bộ hành lý. Người phụ nữ ở cơ quan quản lý đồ
thất lạc cho tôi 500 rupee để mua một vài món đồ mới, kèm theo lời khen
ngợi cho Swiss Air. Bà ta bảo rằng ước gì hành lý của tôi được tìm thấy.
Còn tôi lúc ấy thì sao? Với 500 rupee, tôi cứ như là một gã giàu có xài toàn
tiền mặt cho phần còn lại của chuyến đi vậy! Thế nhưng, đến khi đã hoàn
thành mọi thủ tục cần thiết trước khi lên máy bay di chuyển đến Athens, tôi
sững sờ nhận ra rằng số tiền mặt này không thể chuyển đổi sang ngoại tệ
được.
Tôi bèn bám theo một cô gái tóc vàng trong hàng người chờ đợi để được
gửi tiền.
“Xin lỗi cô, nhưng quả thực tôi đang vướng phải rắc rối.” Tôi bảo cô ấy.
“Tôi có trong tay một lượng rupee lớn mà không thể chuyển đổi sang ngoại
tệ khác được. Cô vui lòng giúp tôi được không?”
“Được thôi!” Cô ấy đáp lại. “Còn tôi thì vừa xài hết đống rupee rồi.” Tôi
mừng húm, nghĩ ngay ra cách để trả ơn cô gái này.