Nhưng ngoài tiếng "xin lỗi" rất đại khái khi lần quanh hông tôi kiếm
dây an toàn, hắn ta hoàn toàn phớt lờ tôi. Hắn mở cái cặp xách bằng da
trông rất ấn tượng, rồi ngay sau đó chúi mũi vào cuốn tiểu thuyết của
Catherine Cookson. Tôi chắc bạn biết dạng tiểu thuyết ấy. Chuyện một cô
gái con ngoài giá thú có vết bớt màu rượu chát trên người, ông anh họ thích
cô ta. Cô ta bị mẹ ghẻ dùng roi bằng dây thừng quật cho tan nát. Mười ba
tuổi cô ta bị ông lớn trong vùng cưỡng bức, rồi trên đường trốn chạy cô ta
đạp trúng cái bẫy thỏ để rồi phải cắt bỏ cả bàn chân. Người ta gí que sắt
nung đỏ vào vết thương để cầm máu, tiếng la thét của cô ta xuyên thấu
hàng hàng lớp lớp quặng xỉ dưới mỏ sắt. Có đúng là chỉ có thế thôi không
nhỉ?
Mà thôi, cái tên đàn ông ấy quan tâm đến Catherine Cookson hơn tôi
nhiều, khiến tôi thấy hơi bứt rứt. Tôi thèm được xả giận ghê gớm. Khởi
động cho nóng người một chút nào, theo đúng trình tự, để chốc nữa còn
hành động. Nhưng hắn không thèm nhúc nhích.
Rồi sau đó tôi thấy xấu hổ với chính mình. Tôi cố tìm cách bắt chuyện
với hắn - mỉm cười trên mức cần thiết khi hắn chuyển khay thức ăn cho tôi,
dịu dàng bảo hắn để tôi mở giúp cái hộp sữa be bé lúc hắn loay hoay mãi
mà không tự mở được, cho hắn viên kẹo the của tôi để hắn mang về cho
con bé ở nhà cho dù hắn đã bỏ vào miệng viên của hắn, đại loại thế.
Hóa ra hắn cũng dễ thương. Chúng tôi trao đổi về cuốn sách hắn đang
đọc. Tôi giới thiệu thêm cho hắn vài tác giả khác. Rồi đến lúc hạ cánh
xuống sân bay Heathrow, chúng tôi đã kịp thân mật xưng tên với nhau.
Chúng tôi bắt tay, bảo rất vui đã gặp nhau và chúc nhau tiếp tục hành trình
suôn sẻ. Thế là tôi lại một mình. Một mình với những suy nghĩ, nỗi sợ hãi
và cơn giận dữ cũng như chín mươi tỉ hành khách kia ở sân bay Heathrow,
tôi hoàn toàn một thân một mình giữa London.
Để xem. Nếu bạn đang xem phim thay vì đọc một cuốn sách, bạn sẽ
thấy cảnh những chiếc xe buýt màu đỏ và taxi đen tuyền chạy bon bon qua