- Không phải ư?
Tôi suy nghĩ xem nên giải thích với chàng thế nào cho hợp lý:
- Có chỗ giống, có chỗ không giống. Em có cảm giác, bản dịch này của
chàng khó hiểu hơn, trúc trắc hơn.
Tôi do dự một lát, rồi quyết định thẳng thắn bày tỏ quan điểm:
- Rajiva, bản dịch này, em đọc không hiểu.
Chàng bị bất ngờ và hơi thất vọng. Tôi vội vàng an ủi: - "Kinh kim
cương” vốn rất thâm thúy, khó nắm bắt. Em không phải tín đồ Phật giáo
nên không hiểu cũng phải thôi.
Chàng trầm ngâm giây lát, vẻ mặt nghiêm nghị:
- "Kinh kim cương thuyết giảng về sự "trống rỗng, không thực", không
thể thuyết lý, không thể nói thành lời, không thể diễn đạt bằng ngôn từ. Bởi
vì nội dung của kinh văn này rất thâm thúy, sâu xa, huyền bí, nên khi dịch
sang tiếng Hán ta đã rất khổ công, mong sao có thể truyền tải được trọn vẹn
hàm ý sâu xa của nó.
Truyền tải trọn vẹn ư? Vậy tức là chàng quá ư bám sát và trung thành với
nguyên tác? Nhưng theo tôi được biết thì đó không phải phong cách dịch
thuật của chàng. Rajiva nổi tiếng với cách dịch nghiêng về ý tứ hơn là chữ
nghĩa kia mà.
- Rajiva, chàng muốn ai sẽ là người đọc cuốn kinh này?
Tôi trả lại bản dịch cho chàng:
- Là những vị cao tăng từng được đào tạo một cách có hệ thống các giáo
lý Phật pháp, là các văn nhân, trí sĩ có trình độ giáo dục cao, hay là các cư