- “Trời thấy người, người thấy trời”, đoạn kinh văn này rất sát với ngữ
nghĩa trong tiếng Tây vực, nhưng hơi khô cứng, thiếu trau chuốt.
Chàng bước xuống, cất bước chậm rãi dạo qua các đệ tử, giọng chàng
trầm ấm:
- Người Thiên Trúc đặc biệt coi trọng vần điệu trong lời ăn tiếng nói
hàng ngày, chốn cung đình lại càng chú trọng hơn đến âm vận, đề cao việc
âm hợp với điệu đàn. Người ta thường ca ngợi công đức của các đấng quân
vương thành tâm tín Phật bằng những câu hát. Các bài kệ trong kinh văn
cũng đều được ngâm vịnh theo dạng thức xướng tụng của Thiên Trúc.
Nhưng nếu chuyển dịch nguyên bản những câu kệ đó sang tiếng Hán, thì
mặc dù có thể truyền đạt được đại ý nhưng chắc chắn sẽ làm mất đi âm vận,
nhịp điệu, tính nhạc của nguyên tác. Điều này giống như việc, chúng ta đã
nhai nát cơm rồi mà còn đem cho người khác ăn, không những mất đi
hương vị ban đầu mà còn khiến người ta ghê sợ.
Chàng chầm chậm cất bước, lời nói chứa bao điều sâu xa:
- Dịch kinh Phật phải chú trọng tới sự cân bằng giữa “thông tục” và “bay
bổng”. Nếu cố bám sát nguyên nghĩa, văn dịch sẽ trở nên thông tục, khô
khan. Nếu sa đà vào cách hành văn hay vần điệu sẽ mắc lỗi bay bổng, cầu
kỳ. Cả hai lỗi này đều có thể khiến bản dịch trở nên lệch lạc. Phải làm sao
để văn chương thông thuận, nghĩa lý trở nên tròn đầy, đó chính là trách
nhiệm của người dịch kinh.
Ai nấy đều lắng nghe rất chăm chú và trăn trở về mối quan hệ giữa
phương pháp dịch ý và dịch nghĩa. Tăng Duệ đột nhiên giơ cao cánh tay
phải vẫn đang cầm bút, nói:
- Thưa thầy, dịch là: “Người với trời gặp gỡ trong một thể giao hòa” có
được không ạ?
Rajiva quay người lại, vui mừng nhìn Tăng Duệ: