Tôi đặt ba lô xuống và lập tức lao đến đại điện. Tôi sải bước gấp gáp,
Đạo Hằng phải chạy mới theo kịp tôi.
- Đạo Tiêu, sao đi nhanh thế? Sư đệ sốt sắng muốn gặp pháp sư hơn cả ta
kia à?
Tôi mặc cậu ta lải nhải, tiếp tục sải bước. Làm sao cậu ta hiểu được tâm
trạng của tôi lúc này?
Một bước vượt ba bậc thềm, tôi hối hả lao vào đại điện. Cảnh tượng bận
rộn, tấp nập trải ra trước mắt tôi: Hàng nghìn nhà sư ngồi chật kín đại điện,
cảm giác như không còn, dù chỉ một khoảng trống để đặt chân. Một bóng
dáng cao gầy, cầm sách trên tay, đang khom lưng đi lại phía trước tượng
Phật trên bục cao của đại điện. Bên cạnh ngài là mấy chục nhà sư đang miệt
mài ghi chép. Tôi kéo Đạo Hằng khoanh chân ngồi xuống một góc nhỏ, ánh
mắt không rời khỏi bóng hình ấy. Là cha đây sao? Người cha mà hai mươi
hai năm qua tôi chưa từng gặp mặt? Vì sao tôi có cảm giác rất đỗi thân
thuộc?
Cha đang dịch một đoạn kinh văn, tôi tập trung lắng nghe, đó là cuốn
kinh “Phật Tạng”. Trước khi đến đây, tôi đã đọc lại những kinh văn mà cha
chuyển dịch. Tôi được di truyền từ cha trí nhớ siêu phàm, cho nên dù
không thông hiểu Phật pháp một cách sâu sắc, tôi vẫn có thể thuộc hết
những kinh văn này. Cũng nhờ vậy, trên đường tới đây, tôi không gặp bất
cứ khó khăn nào khi giả làm một hòa thượng.
Cha dịch xong mấy câu kệ, liền cười hiền hậu, nói với các đệ tử:
- Kinh văn đã dịch xong, các vị vất vả nhiều rồi!
Giọng cha thâm trầm, ấm áp, pha khẩu âm Tây vực. Cha đã năm mươi
sáu tuổi, tuy gương mặt đã già nua, nhưng ở cha vẫn toát lên phong thái
đĩnh đạc, phi phàm, thách thức với tháng năm. Lúc cha mỉm cười, vẻ thông
tuệ, uyên bác và sự hoạt bát, tinh tường tỏa rạng.