Vì muốn nhanh chóng mở rộng diện ảnh hưởng của đạo Phật và tăng số
lượng tăng ni Phật tử, nhà vua đã hạ chỉ miễn tội cho tất cả các tử tù, buộc
họ xuất gia làm hòa thượng. Nhưng vì lo ngại đám tử tù bỏ trốn, tiếp tục
phạm tội, ngài lệnh “kiểm hình” (khắc chữ trên mặt) Lương Vũ Đế còn ban
chỉ dụ đốt hương trên đỉnh đầu các tử tù để dễ dàng nhận dạng trong quá
trình truy bắt.
Cá nhân tôi cho rằng, tục lệ đốt hương trên đầu hòa thượng ở Trung
Quốc xuất phát từ mục đích của nhà cầm quyền. Các nhà sư không tham
gia sản xuất, không nộp thuế, không sinh con cái, nếu số lượng tăng ni quá
nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến năng lực sản xuất. Thêm vào đó, giới luật
“không sinh con” của Phật giáo mâu thuẫn sâu sắc với luân thường đạo lý
thời xưa “trong ba tội bất hiếu, không có con nối dõi là tội nặng nhất”.
Những thảm kịch “hủy diệt đạo Phật” diễn ra trong lịch sử đều có nguyên
nhân sâu xa từ yêu cầu duy trì phát triển kinh tế và bảo vệ những luân lí
đạo đức vốn có từ lâu đời. Tuy nhiên, sự tồn tại của tôn giáo là không thể
thiếu, tôn giáo giúp giai cấp thống trị giữ cho xã hội được ổn định. Vì vậy,
các nhà sư buộc phải có thẻ chứng nhận và nhà nước khống chế chặt chẽ số
lượng tăng ni. Dấu hiệu nhận biết bên ngoài của nhà sư chính là vết chấm
cháy trên đỉnh đầu. Những kẻ cạo trọc đầu giả mạo nhà sư sẽ dễ dàng bị
phát hiện. Rất mừng là sau giải phóng, tập tục này đã được xóa bỏ, nhưng
tôi nghe nói, một số chùa vẫn duy trì nghi lễ đốt hương này…
- Ngải Tình!
Tôi giật mình ngẩng lên, tiểu hòa thượng mặt mày hớn hở. Vừa cạo đầu
xong, trông cậu ta có vẻ sảng khoái và phấn chấn. Tôi ngó nghiêng, Jiba đã
ra ngoài lúc nào mà tôi không hay. Vội theo sau tiểu hòa thượng đến bên
chiếc bàn dài, tôi bắt đầu buổi học đầu tiên của mình.
Tiểu hòa thượng dạy tôi tiếng Tochari trước. Mặc dù hết sức tận tâm và
kiên trì, nhưng vì trình độ tiếng Hán có hạn, chữ Tochari lại khó nhớ, tôi
cảm thấy khổ sở hơn cả ngày xưa học tiếng Đức, tôi gắng sức tập trung, mồ